“Dồn điền đổi thửa phải xuất phát từ chính lợi ích của nông dân”

(PLO) - Sau khi chứng kiến tận mắt những bất cập trong công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, nhằm cố gắng làm sáng tỏ nguyên nhân của những bất cập và tìm ra phương hướng giải quyết, PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02.
“Dồn điền đổi thửa phải xuất phát  từ chính lợi ích của nông dân”
Tại sao phải thực hiện công tác DĐĐT, thưa ông?
- Trước hết, phải nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới nói chung và DĐĐT nói riêng là vì lợi ích của chính bà con nông dân. Hà Nội là địa bàn có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp có sự biến động lớn, yêu cầu sản xuất hàng hóa ngày càng cấp thiết. Muốn sản xuất hàng hóa hiệu quả, phải tổ chức được cánh đồng mẫu lớn. Như vậy, tất yếu phải tiến hành DĐĐT.
Ông có thể nói cụ thể những lợi ích mà bà con nông dân nhận được nếu DĐĐT?
- Bà con nông dân giảm được chi phí phân bón, giống, công sức nhưng lại góp phần tăng năng suất, giải phóng sức lao động để người dân có điều kiện làm thêm ngành nghề khác, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, việc DĐĐT đóng góp rất lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới, tác động đến nhiều trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 
Ví dụ, với tiêu chí quy hoạch, nếu DĐĐT thành công từ nhiều ô thửa của mỗi hộ, ở nhiều vị trí phân tán sẽ giúp cho địa phương tiến hành công tác quy hoạch xã nông thôn mới rất thuận tiện như quy hoạch đồng ruộng, điểm dân cư, quy hoạch thủy lợi, giao thông nội đồng… 
Do có ô thửa lớn, giao thông, thủy lợi nội đồng đảm bảo sẽ giúp cho công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giải phóng sức lao động, từ đó hỗ trợ nâng cao thu nhập của người nông dân và góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
Tuy  lợi  ích như thế nhưng ở một số địa phương ngoại thành Hà Nội vẫn tồn tại những bất cập, khiến công tác DĐĐT chậm trễ, lý do tại sao, thưa ông?
- Nguyên nhân thứ nhất do chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc DĐĐT. Nguyên nhân thứ hai là do chưa làm tốt công tác quy hoạch đồng ruộng trước khi DĐĐT. Việc này dẫn đến có những vị trí không thuận tiện tưới tiêu, giao thông trong quá trình canh tác dẫn đến người dân ngại tiến hành DĐĐT khi chẳng may gắp phiếu phải những vị trí này. 
ông Lê Thiết Cương
Ngoài ra, do năng lực của đội ngũ cán bộ địa phương làm công tác DĐĐT còn hạn chế, không chủ động nghiên cứu chính sách, hướng dẫn của thành phố về DĐĐT nên chưa nắm được quy trình.
DĐĐT là một công việc cực kỳ khó, bao gồm khối lượng công việc khổng lồ từ xây dựng phương án, tổ chức họp dân, xây dựng bờ bao, mương máng, chia ô, gắp phiếu... Tuy nhiên, quan điểm của thành phố là dứt khoát phải tiến hành DĐĐT xong trong năm nay.
Bà con cho rằng có yếu tố tiêu cực trong DĐĐT, quan điểm của ông thế nào?
- Có hiện tượng như vậy. Vì thế, để đảm bảo tính công bằng trong DĐĐT, trong quá trình thực hiện phải tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng Quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo Hướng dẫn 29/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội về quy trình thực hiện công tác DĐĐT trên địa bàn Hà Nội, địa phương phải xây dựng phương án, trong đó có quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng. Đảm bảo sau khi DĐĐT, tất cả các thửa ruộng đều gần đường giao thông, thủy lợi. Việc người dân gắp phiếu nhận ruộng chỉ là xác định vị trí thửa ruộng, còn mọi điều kiện sản xuất trên đồng ruộng đều như nhau. 
Do đó, địa phương phải làm tốt quy hoạch này thì mới đảm bảo tính công bằng, để người dân yên tâm tham gia DĐĐT. Trước đây giao đất theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ, khi triển khai đo ruộng chia cho các hộ, chủ yếu là dùng phương pháp thủ công nên sai số lớn. Một số nơi có hiện tượng đo đất không công bằng. Còn hiện nay, nhờ thực hiện DĐĐT, chia lại bằng thước dây và bằng máy nên đã đảm bảo sự chính xác, công bằng, được nhân dân đồng tình, từ đó hỗ trợ cho tiêu chí an ninh trật tự xã hội nông thôn.
Vậy phần đất nông nghiệp dư thừa (nếu có) sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Sau khi DĐĐT sẽ có một phần lớn đất dôi dư ra so với sổ sách. Đây cũng là một trong những mục đích của việc DĐĐT. Trước đây khi triển khai đo ruộng chia cho các hộ, chủ yếu là dùng phương pháp thủ công nên sai số lớn. Còn hiện nay, nhờ thực hiện DĐĐT, chia lại bằng thước dây và bằng máy, nên đã đảm bảo sự chính xác. 
Những diện tích đất dôi dư trong các hộ và diện tích có được do bỏ bờ vùng, bờ thửa đã giúp cho các địa phương có thêm quỹ đất công thực hiện quy hoạch bờ vùng, bờ thửa cũng như các công trình phúc lợi mà không phải giải phóng mặt bằng. Nhiều địa phương dùng quỹ đất đổi đất của nhân dân để mở rộng đường giao thông nội đồng thuận lợi, phục vụ sản xuất.
Có hiện tượng ở một số địa phương người dân chưa đồng thuận nhưng chính quyền vẫn tiến hành DĐĐT, như vậy theo ông có đúng không? 
- Trong quá trình DĐĐT phải thực hiện nguyên tắc dân chủ ở cơ sở. Nếu lấy ý kiến của đa số người dân đồng ý, thống nhất DĐĐT thì địa phương có thể thực hiện, không thể vì một vài hộ dân mà ảnh hưởng đến cả thôn, xã. Ví dụ tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, trong khi hầu hết các hộ dân đồng ý DĐĐT thì còn 13 hộ phản đối. Tuy nhiên qua lấy ý kiến biểu quyết trong nhân dân đã đề ra nghị quyết nếu các hộ này không đồng ý thì sẽ được phân vào khu đất xấu. Thế là các hộ trên đồng ý tham gia DĐĐT ngay.
Xin cảm ơn ông!
Nói về những tiêu cực đã phát sinh trong quá trình DĐĐT ở một số địa phương ngoại thành Hà Nội khiến người dân chán nản, quay lưng với các quyết sách của chính quyền, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện DĐĐT, cần tăng cường sự giám sát của ngay cộng đồng nông thôn ở đó.
Theo ông Lộc, đúng là ở một số địa phương đã xảy ra tiêu cực, điều này là khó tránh khỏi, vì còn phụ thuộc vào trình độ và bản chất của cán bộ địa phương như thế nào. Có thể có những cán bộ chỉ muốn nhận ruộng đẹp hay muốn lấy thêm diện tích cho mình.
Thêm nữa, trước đây do đo vẽ diện tích thửa ruộng bằng tay nên diện tích không chuẩn, nay khi tiến hành đo lại bằng máy, chắc chắn sẽ nảy sinh những thắc mắc liên quan đến diện tích thực của mỗi hộ, cũng như tiêu cực khi cán bộ địa phương lợi dụng điều này để đo tăng diện tích cho ruộng nhà mình.
Điều đầu tiên cần thực hiện là phải công khai mảnh, thửa ruộng sẽ DĐĐT và phải thực hiện DĐĐT có nguyên tắc, có hội đồng giám sát. Đặc biệt, phải tạo được cơ chế giám sát theo đúng Quy chế dân chủ, công khai và minh bạch.
Một nguyên tắc nữa cần thực hiện là số ít phải phục tùng số đông, bởi trong DĐĐT không thể tránh khỏi có ý kiến này, ý kiến khác. Mặt khác, việc bốc thăm, gắp phiếu để nhận ruộng cũng cần thực hiện công khai và có sự giám sát của chính người dân.
Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND TP.Hà Nội ban hành quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP.Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016. Liên quan đến công tác DĐĐT, Điều 4 của Quyết định này cho biết:
- Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.
- Hỗ trợ Ban Chỉ đạo cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, tổ chức hội họp, tuyên truyền. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/ha. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.
- Hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng khi DĐĐT, trong đó ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 50% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.
- Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kỹ thuật quy định của Nhà nước) khi thực hiện kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.
Điều kiện được áp dụng hỗ trợ là UBND cấp xã, HTX nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện DĐĐT trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, tập trung phù hợp với quy hoạch nông nghiệp đến năm 2020, đạt yêu cầu sau khi dồn chỉ con 1 - 2 thửa/hộ. Phương án DĐĐT được thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã và được UBND cấp huyện phê duyệt.

Đọc thêm