Bà Võ Thị Sang,, 44 tuổi, quê gốc Bình Định nhưng sinh ra và lớn lên tại Vũng Tàu, hộ khẩu thường trú chung với mẹ ruột tại 5/2 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, TP.Vũng Tàu. Cách đây vài năm, bà Sang đã đứng ra “cầm cái”(chủ hụi), dây hụi khoảng 40-50 người tham gia, (gọi là hội viên ) tổng số tiền hụi viên đã góp lên đến hàng chục tỷ đồng.
Muốn hốt hụi phải được xét duyệt
Bà Sang không có việc làm cụ thể tại địa phương. Cách đây vài năm, bà Sang khoe với mọi người là bà có hàng chục hécta cao su và một số vườn quýt tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi mùa thu hoạch bà thường trúng rất đậm, bà rất giàu có và rất uy tín trong giới làm ăn…
Nhờ tài “xảo ngôn”, bà ta dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin, chủ yếu là những người thân quen làm nghề biển và buôn bán nhỏ góp tiền cho bà để bà làm chủ hụi, cho bà vay tiền để bà đầu tư sinh lãi lớn sẽ “giúp” mọi người cùng phát triển kinh tế. Bà Sang nắm giữ, điều hành dây hụi rồi “xét duyệt”, ưu tiên cho hội viên nào cần vốn làm ăn thì bà cho hốt trước, sau đó hội viên nào được hốt trước thì phải đóng hụi “chết” hàng tháng để cho những hội viên hốt sau.
Mỗi dây hụi có từ 10-20 triệu đồng, cứ mỗi dây hụi 10 triệu đồng thì người chơi hụi chỉ phải đóng cho bà Sang 8 triệu đồng/tháng, hai triệu đồng kia hội viên được giữ lại coi như đã nhận khoản tiền lãi. Bà Sang còn dùng nhiều mánh khóe như chồng hụi, bán hụi, vay tiền của nhiều người và hứa hẹn trả lãi suất hấp dẫn, đúng hẹn, sòng phẳng…Thời gian đầu, bà Sang đã trả lãi suất khá cao và cho hốt hụi đúng hẹn. Hàng tháng, bà Sang gọi điện hoặc truyền miệng để thông báo hội viên đóng tiền hụi.
Thấp nhất 16 triệu, cao nhất gần năm tỉ
Đầu năm 2014, một số hội viên phát hiện dây hụi do bà Sang điều hành có những biểu hiện nghi vấn, đến ngày hốt hụi bà Sang đã lần khân, tìm lý do trì hoãn, không trả lãi tiền vay cho chủ nợ. Số tiền thống kê chưa đầy đủ lên đến ngót 19 tỷ đồng. Lúc này bà Sang trắng trợn tuyên bố: “dây hụi đã “bể” , từ từ rồi… tính, tôi sẽ trả”. Bà Sang còn thách thức: “Nếu ai không chịu thì cứ việc thưa kiện, tôi sẽ theo hầu (!?)” .
Theo điều tra của phóng viên, người cho bà Sang vay ít nhất là 16 triệu đến vài trăm triệu, có 6 người cho bà Sang vay trên một tỷ đồng. Trong đó, bà Trinh bị bà Sang chiếm dụng gần 1,4 tỷ đồng, bà Loan cho bà Sang vay gần 5 tỷ đồng, còn một số chủ nợ khác chưa dám công khai danh tính vì sợ gia đình, người thân biết sẽ ảnh hưởng đến công việc và tình cảm gia đình bị xáo trộn.
Bà Sang “hoãn binh” viết hợp đồng vay tiền cho từng người kể cả người chơi hụi và người cho bà vay tiền. Suốt mấy tháng qua bà Sang không hề trả tiền cho ai như ghi trong hợp đồng vay tiền đã cam kết. Quá bức xúc, bà Phạm Thị Kim Loan đã đại diện cho hơn 30 người bị bà Sang “giựt” nợ ký đơn gửi đến cơ quan điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan báo chí tố cáo bà Sang đã “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nhờ các cơ quan này điều tra xử lý buộc bà Sang trả lại tiền cho họ. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra xử lý.
Các “hợp đồng vay tiền” biến tướng và những lá đơn tố cáo bà Sang “giựt” nợ |
Hiện nay vợ chồng bà Sang bỏ đi đâu không ai biết. Tại một địa chỉ bà Sang thường lui tới trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Vũng Tàu hàng chục chủ nợ mắc võng, nằm ngồi ngổn ngang để “canh me”chờ bà Sang về trả nợ. Một ông cụ trên 80 tuổi cùng người con trai cho biết: “Chúng tôi không còn cách nào khác là phải “nằm” tại đây để buộc bà Sang phải trả nợ. Chúng tôi đã cầm cố nhà đất lấy tiền cho bà Sang vay, nay không biết phải làm thế nào?”.
Chính quyền phường sở tại cho biết căn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nằm trên đất nông nghiệp, trong vùng quy hoạch của TP, bà Sang xây nhà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền phường tiến hành xác minh nhận thấy việc vợ chồng bà Sang tổ chức gom hụi và vay tiền của nhiều người là có thật.
PLVN kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương sớm vào cuộc điều tra xử lý vụ việc trên theo quy định của pháp luật, tránh để tình trạng “giựt” hụi, xù nợ trở thành tiền lệ, tạo kẽ hở cho kẻ lợi dụng quy định của pháp luật nhằm “chiếm đoạt tài sản” của người khác mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì kỷ cương phép nước sẽ bị khinh nhờn.
Không quá 2 tháng từ ngày nhận được đơn, Cơ quan điều tra phải ra quyết định
Các trường hợp chủ họ có hành vi giật họ, tuyên bố vỡ họ do mất khả năng thanh toán thường bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội danh sau tại Bộ luật Hình sự: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 139) hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140). Đối với việc xác định hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phải chứng minh được chủ họ có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu để chiếm đoạt tài sản mới có thể khởi tố. Còn đối với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, dấu hiệu là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền.
Vụ việc này, chủ họ đã bỏ trốn nên đã có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điều khiến người dân bức xúc và hoang mang là cơ quan công an vẫn chưa ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án dù đơn tố cáo đã được gửi mấy tháng nay. Khoản 2 Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”. Như vậy, tối đa không quá 2 tháng kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Thạc sĩ Luật Nguyễn Thế Anh
- Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam