Như PLVN đã thông tin, trong những ngày gần đây, ông Trác Huy Trường (SN 1985, trú tại P.11, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã đến chợ Bình Hòa, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM) yêu cầu các hộ kinh doanh tại đây phải di chuyển ra khỏi khu đất hoặc làm thủ tục thuê, mượn đất theo quy định vì đây không phải là khu đất công cộng, mà là đất tư nhân đã bị chiếm dụng làm chợ tự phát nhiều năm.
Việc này ông Trường thực hiện theo sự ủy quyền của ông Nguyễn Đình Long (SN 1943). Trước đó, vào năm 1991, ông Long đã được ông Nguyễn Văn Đô (đứng tên chủ sử dụng) viết giấy ưng thuận cho sử dụng một phần thửa đất BK 599 (diện tích 157m2) và ông Long được “trọn quyền sử dụng mảnh đất trên để làm nhà ở và không có bất kì khiếu nại nào” (văn bản được đại diện UBND Phường 14 xác nhận).
Nhưng lúc này, phần diện tích đất trên đã bị một số cá nhân sử dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán. Vì vậy, ông Long, ông Đô đã tự nguyện hỗ trợ cho 18 cá nhân đang kinh doanh ở đây (mỗi người từ 2 đến 3 chỉ vàng 24k) để các hộ này di dời, trả lại đất nằm trong diện tích khu đất của ông Long. Khi nhận tiền, các hộ này đều ký cam kết “không làm khó dễ, cản trở và khiếu nại ông Đô bất cứ vấn đề gì về việc việc ông Đô sử dụng đất này”. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các hộ không chịu trả đất mà tiếp tục sử dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán cho đến nay.
Trước việc bị ông Trường đến thực hiện quyền của chủ đất như trên, các hộ kinh doanh không đồng ý vì cho rằng họ đã buôn bán ở đây nhiều năm, có đóng thuế môn bài cho Nhà nước. Việc rào chợ, khóa cổng của ông Trường cũng bị Công an phường 14 yêu cầu tạm dừng để giữ nguyên hiện trạng, chờ xác định chủ quyền chính thức.
Trước diễn biến vụ tranh chấp đất như trên, ngày 13/8/2019, UBND phường 14 cùng đại diện nhiều đơn vị liên quan đã tổ chức tiếp xúc với ông Trường.
Trao đối với phóng viên, ông Trường cho biết, tại cuộc họp này, ông có đề nghị được thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ đất, đó là trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, thiết lập tường rào và cổng vào (sáng mở, tối khóa)… để đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, ông cũng đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cuộc họp đã không có kết luận gì về vấn đề này mà chỉ một mực yêu cầu ông Trường chứng minh quyền sử dụng đất bằng giấy chủ quyền theo quy định.
Đáng chú ý, tại cuộc họp này, chính đại diện Phòng Kinh tế quận Bình Thạnh khẳng định, địa điểm này (tức chợ Bình Hòa) là điểm kinh doanh tự phát (từ rất lâu) nên quận không quản lý danh sách và cấp phép kinh doanh cho các hộ tại đây. Còn cán bộ địa chính phường thì cho biết, diện tích đất do ông Trần Văn Chơi đứng bộ, chuyển nhượng cho ông Đô. Ông Đô chuyển nhượng cho ông Long 157m2/2790m2. Tuy nhiên, diện tích 157m2 không ghi nhận ở vị trí nào trong khu đất 2790m2.
Bình luận về vụ việc này, Luât sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc, Hà Nội) cho hay, khi có tranh chấp đất đai thì các giấy tờ quy định tại tại Điều 100 Luật Đất đai 2014 sẽ là chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của các bên. Một trong các giấy tờ, chứng cứ này là “Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/ 10/ 1993” và “giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan”. Trường hợp này, ông Đô có tên trong sổ địa chính và có giấy ưng thuận cho ông Long sử dụng 175m2 (có chính quyền xác nhận chữ ký của ông Đô thời điểm năm 1991) nên ông Long có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất của mình. Vì vậy, ông Long hoặc người được ủy quyền hoàn toàn được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo quyền sử dụng đất của mình khi bị xâm phạm.
Cũng theo Luật sư Tuấn thì nếu các tiểu thương cho rằng mình có quyền sử dụng hợp pháp các ki ốt tại chợ thì cũng cần xuất trình ra các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai hoặc “các giấy tờ khác” quy định tại Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai), hoặc giấy tờ thể hiện mình được thuê, mượn hợp pháp từ chủ khu đất. Giấy nộp thuế từ hoạt động kinh doanh không nằm trong các loại giấy tờ theo quy định trên
Liên quan đến phát biểu trên báo chí của đại diện UBND phường 14 về việc “năm 1999, UBND phường đứng tên ký kê khai nhà, đất khu vực Bình Hòa”, Luật sư Tuấn cho hay, việc UBND phường đứng ra kê khai nhà đất cũng phải có các căn cứ theo quy định. Ở đây, ông Đô không hiến đất cho Nhà nước và đất không bị trưng thu, trưng dụng, thu hồi hay thuộc diện nhà đất “cải tạo”… thì UBND phường cũng không thể kê khai đứng tên thửa đất được.
Như vậy, cho đến nay thì UBND phường 14 vẫn chưa làm rõ qúa trình biến động của thửa đất BK 599 cũng như lý giải cho ông Trường rõ vì sao thửa đất đang đứng tên ông Chơi, ông Đô bỗng biến thành đất chợ.
Thửa đất rộng hơn 2.700m2 mang tên ông Đô nay chỉ còn hơn 200 m2 cũng là vấn đề uẩn khúc trong vụ việc này đang chờ được làm rõ.
Được biết, ông Trường đã có đơn đề nghị UBND phường 14 tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai với các tiểu thương theo trách nhiệm quy định tại Điều 202 Luật Đất đai. Nếu hòa giải không thành, UBND phường cần lập biên bản để ông Trường thực hiện các công việc tiếp theo để đòi quyền sử dụng đất cho ông Long.