Theo ông Tuấn, thời gian vừa qua, các tiêu cực như khách hàng mất hàng trăm tỷ đồng, một hồ sơ được thế chấp tại nhiều ngân hàng, hay nhân viên đổi thông tin khách hàng để trộm tiền của khách, của ngân hàng… xuất hiện nhiều. Điều này không chỉ làm mất uy tín của ngân hàng mà còn làm người dân lo sợ, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Do đó, việc đưa công nghệ blockchain vào ngân hàng có thể khắc phục hoàn toàn các rủi ro mất tiền như thời gian qua.
Cũng theo ông Tuấn, nếu ứng dụng công nghệ blockchain vào lĩnh vực này, khi xây dựng một hồ sơ thế chấp vay ngân hàng sẽ đảm bảo hồ sơ đó là duy nhất, không ai thay đổi sửa chữa thông tin hồ sơ kể cả ngân hàng hay khách hàng, giảm thiểu tối đa tiêu cực trong hoạt động của các nhà băng.
“Blockchain là minh bạch và không thể can thiệp kể cả những người phát triển nó. Vì thế sẽ không còn chuyện một hồ sơ thế chấp nhiều ngân hàng hay nhân viên ngân hàng đổi dữ liệu để rút tiền…” - ông Tuấn khẳng định.
Ông Đặng Minh Tuấn cũng cho biết CLB Fintech đang hình thành dự án mới sẽ ra mắt trong thời gian tới về quản lý hồ sơ cho vay thế chấp tại ngân hàng và có thể áp dụng ngay giúp giảm thiểu tiêu cực từ khách hàng cũng như trong quản lý ngân hàng. Khách hàng đi vay thế chấp, hệ thống ngân hàng sẽ nắm được toàn bộ hồ sơ thông tin khách hàng, tài sản thế chấp.
Ông Tuấn mong muốn, trong các hoạt động của chính phủ ở những nơi có thể áp dụng được thì hãy áp dụng blockchain vì nó mang lại sự minh bạch, niềm tin cho người dân và các đơn vị khác.
Nghiên cứu thấu đáo để giảm thiểu tác động tiêu cực
Chia sẻ ý kiến về ứng dụng công nghệ blockchain trong tài chính - ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cần có sự nghiên cứu thấu đáo mới có thể ứng dụng tốt công nghệ này vào thực tiễn.
“Nắm bắt xu hướng của thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã sớm thành lập một ban nghiên cứu về những vấn đề của Fintech trước làn sóng công nghệ mới. Dự kiến, tháng 8 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho Ngân hàng Nhà nước đưa ra một sandbox - khung thử nghiệm pháp lý hỗ trợ các công ty Fintech” - ông Phạm Tiến Dũng cho biết.
“Các doanh nghiệp ứng dụng blockchain cần thay đổi hai thứ quan trọng là quy trình nghiệp vụ và mô hình tổ chức, nhân sự. Nếu chỉ tập trung vào công nghệ sẽ rất khó triển khai” - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện nay trên thế giới, từ các tổ chức nghiên cứu uy tín đến các quốc gia phát triển vẫn có những quan ngại nhất định về blockchain. Vì thế, Việt Nam cần đánh giá sáng suốt, giảm bớt hạn chế, tránh tác động không tốt tới xã hội.
Dưới góc độ từ cơ quan quản lý về công nghệ, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đánh giá, việc nghiên cứu thấu đáo các tính ưu việt của công nghệ blockchain là cần thiết, nhưng đi liền với đó là việc lường trước các rủi ro…
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đang xây dựng trọng điểm khoa học công nghệ, trong đó có ứng dụng blockchain. Một trong những ứng dụng thực tế là việc tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách ưu đãi tín dụng trong ngành công nghiệp 4.0” – Ông Đàm Bạch Dương nói.
Ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế, Bộ Tư Pháp cho biết, Bộ đang triển khai đề án xây dựng quản lý tiền thuật toán 2016-2017. Dự kiến đến tháng 8/2018, Bộ sẽ hoàn tất rà soát thực tiễn tài sản ảo, thực tế pháp luật, đề xuất định hướng báo cáo Thủ tướng. Bộ Tư pháp sẽ xây dựng hồ sơ quản lý về tiền thuật toán, tiền điện tử và dự kiến tháng 12/2018 sẽ có hồ sơ xây dựng văn bản.