Bộ Công an: Hoạt động “tín dụng đen” không còn lộng hành như trước

(PLVN) - Báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, Bộ Công an cho biết, nhờ đồng loạt triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh của các bộ, ngành, địa phương nên cơ bản tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước. 
Ảnh minh họa

Nhận thức của người dân được nâng cao

Theo Bộ Công an, trong thời gian nửa đầu năm 2019, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (TP&VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có những diễn biến phức tạp kéo theo hệ quả là sự gia tăng của nhiều loại TP&VPPL có liên quan như: giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và các hành vi đe dọa, gây rối trật tự công cộng như đặt vòng hoa, quan tài, đổ chất bẩn, chất thải… Nhiều vụ huy động vốn với lãi suất cao dưới các hình thức chơi hụi, họ, đa cấp tài chính, tiền ảo… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho hàng nghìn người dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.   

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với TP&VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, các bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh nên tình hình TP&VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có những chuyển biến tích cực, không công khai và lộng hành như trước. 

Cũng theo đánh giá của Bộ Công an, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân đã được nâng cao, nhiều chương trình hỗ trợ tài chính của hệ thống ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng được triển khai đáp ứng nhu cầu của người dân nên số lượng người dân tìm đến hoạt động “tín dụng đen”  để vay tiền  phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh giảm. 

Tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng, tường, cây xanh, trên các website và mạng xã hội giảm rõ rệt. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” từ rầm rộ dựng, treo biển quảng cáo cho vay, công khai mời chào, dụ dỗ người đi vay chuyển sang hoạt động cầm chừng, núp bóng, lén lút, hoạt động lưu động, không có cơ sở, địa điểm cụ thể ở nhiều địa bàn, địa phương khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. 

“Các hoạt động đòi nợ sử dụng các đối tượng côn đồ, có tiền án tiền sự, đối tượng nghiện ma túy để siết nợ, cưỡng đoạt tài sản gây bức xúc dư luận, hoang mang cho người vay không còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xảy ra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích…mà nguyên nhân từ việc vay mượn giữa các cá nhân với nhau”- báo cáo của Bộ Công an cho biết. 

Xử lý hàng nghìn đối tượng liên quan “tín dụng đen”

Theo Bộ Công an, thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, công an các cấp đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; siết chặt việc cấp, đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở cầm đồ, đòi nợ; rà soát, thống kê các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino, khách sạn, nhà nghỉ, căn hộ… cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thuê để lưu trú, hoạt động.          

Ngành Công an cũng kiến nghị, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, kiến nghị, hoàn thiện pháp luật liên quan. Cụ thể, tháng 10/2019, CQĐT Bộ Công an đã kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn Điều 201 BLHS - Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. 

Bộ Công an cũng đã xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 167/2016/NĐ-CP, trong đó khắc phục những thiếu sót, bất cập của quy định trong xử lý các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”; cử đoàn tham gia khảo sát liên bộ do Ngân hàng Nhà nước chủ trì để khảo sát, đánh giá hoạt động của các công ty hoạt động vay ngang hàng tại Việt Nam. 

Ngoài ra, lực lượng công an cũng nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến “tín dụng đen”, tổ chức các đợt cao điểm gắn với chỉ tiêu triệt phá, điều tra các chuyên án, vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Theo thống kê, từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Đã khởi tố 602 vụ, với 1.427 bị can, xử phạt hành chính 382 vụ, đang xác minh 143 vụ với 191 đối tượng. 

Đáng chú ý, qua công tác xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen tăng mạnh ở một số tỉnh thành như: Bình Dương, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An… Đã xuất hiện nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như tổ chức thành đường dây chặt chẽ, phạm nhiều tội có liên quan khác để phục vụ cho hành vi cho vay nặng lãi; số tiền thu lợi bất chính đặc biệt lớn với phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi; nhiều đối tượng trong nhiều vụ án trang bị vũ khí, hung khí nguy hiểm, khi phát hiện đã rất manh động, liều lĩnh, có sự chuẩn bị từ trước để đối phó với cơ quan chức năng.

Đọc thêm