Bộ GDĐT yêu cầu thu hồi sách dạy trẻ đi trên thủy tinh

(PLO) - Ngày 26/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thu hồi cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" có bài học "Vượt qua nỗi sợ" (trang 77) xuất bản năm 2014
Thu hồi cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1"
Thu hồi cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1"
Ông Nguyễn Minh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:  ngày 25/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã giải trình: Cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1” được xuất bản lần đầu vào năm 2014, thuộc loại sách tham khảo, không phải là sách giáo khoa trong hệ thống giáo dục phổ thông. Cuốn sách này đã được chỉnh lý và không còn sử dụng nội dung dạy học sinh vượt qua sợ hãi bằng cách đi trên thảm thủy tinh.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường vẫn còn tồn tại cuốn sách được xuất bản năm 2014 gây “hoang mang” cho các bậc phụ huynh có con em học ở cấp tiểu học.
Bộ cũng yêu cầu Nhà xuất bản tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và tập thể có liên quan trong việc liên kết xuất bản cuốn sách trên và xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời rà soát lại các quy định, quy trình về liên kết xuất bản sách với các tác giả để bảo đảm sự chặt chẽ, tránh sai sót trong công tác biên tập, xuất bản loại sách này.
Nếu thực hành nội dung bài học này, các em có thể bị thương khi dẫm lên thủy tinh
 Nếu thực hành nội dung bài học này, các em có thể bị thương khi dẫm lên thủy tinh
Trước đó, Khi câu chuyện "dạy học sinh lớp 1 đi trên thủy tinh"  được đăng tải trên phương tiện truyền thông, có rất nhiều ý kiến của các phụ huynh. Đa phần đều cho rằng các em có thể bị thương khi dẫm lên thủy tinh, thậm chí sẽ là đại họa nếu em nào hiếu động tự đập vỡ chai và thử thực hành “dũng cảm” tại nhà. “Dũng cảm cứu người, cứu động vật thì còn được. Đằng này lại dạy chơi dại dột, thật không thể chấp nhận” -  một bà mẹ nói. 
Còn một ông bố đặt câu hỏi: “Phải chăng người dạy đang nhầm lẫn kỹ năng sinh tồn với Sơn Đông mãi võ. Sao không dạy trẻ học bơi để tránh đuối nước; học cách liên lạc với ba mẹ khi bị lạc, tai nạn; học cách đáp trả khi bị tấn công; học cách tránh xa nguy hiểm khi nhà cháy; học các kỹ năng sơ cấp cứu?”.
Đằng sau câu chuyện "dạy học sinh lớp 1 đi trên thủy tinh", nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem lại khái niệm “dũng cảm” của các nhà biên soạn sách, để học sinh lớp 1 “thử lửa” lòng dũng cảm bằng cách đi trên thảm thủy tinh có phải là sự “đánh cược” vô cùng liều lĩnh mà các bậc phụ huynh khó có thể chấp nhận được!

Đọc thêm