Bộ Giáo dục quyết định sửa đổi cách đánh giá học sinh tiểu học

(PLO) - Để đánh giá chất lượng dạy và học của học sinh. Bộ GD-ĐT vừa có Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT trước đây) kỳ vọng sẽ tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học.
Trường tiểu học Đông Đô Hà Nội. Ảnh: BGD

Đánh giá học sinh sát hơn

Thông tư mới (Thông tư 22) sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 6/11/2016 thay thế Thông tư 30. Theo đó, Thông tư 22 vẫn giữ chủ trương của Thông tư 30 là đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

Thông tư mới bổ sung quy định “đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất”.

Thông tư 22 sẽ khắc phục bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Xét về mặt tâm lý tiếp nhận, 3 mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình.

Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kì, cuối mỗi học kì, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn. Đồng thời, giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học.

Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt).

Cô giáo đang hướng dẫn cho học sinh đọc sách Tiếng Việt lớp 5. Ảnh: BHG.

Việc lượng hóa này, cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Giáo viên giảm bớt gánh nặng

Theo Bộ GD&ĐT, khi ghi nhận những ý kiến của giáo viên về Thông tư 30, hầu hết chung “bức xúc” về vấn đề sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy cho học sinh.

Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

Thông tư 22 quy định, giữa học kì và cuối học kì, giáo viên ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của các lớp được lưu giữ tại nhà trường theo quy định.

Quy định rõ hơn về khen thưởng

Thông tư 22 cũng quy định rõ hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh trong những trường hợp cụ thể, tránh tình trạng viết giấy khen chung chung như khi thực hiện Thông tư 30. 

Cụ thể; Khen thưởng cuối năm học đối với học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;

Ngoài ra, còn khen thưởng đột xuất đối với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.