Không phương án vốn nào khả thi
Liên quan tới những đề xuất ưu đãi để triển khai Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 mà TKV đưa ra, trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đánh giá: Việc TKV đòi đầu tư 100% vốn dự án là không khả thi do TKV chưa đảm bảo khả năng thu xếp vốn cho dự án; thẩm quyền xem xét giải quyết vướng mắc của dự án liên quan nhiều cấp, đòi hỏi nhiều thời gian để triển khai thực hiện; giá điện vượt khung giá trần quy định, trường hợp theo khung giá hiện hành thì dự án không hiệu quả, không đủ điều kiện triển khai dự án.
Về đề xuất thu xếp nguồn vốn từ vốn vay tín dụng xuất khẩu ECA kết hợp vay thương mại và phát hành trái phiếu trong nước mà TKV đưa ra, UBQLV cho rằng, hiện các tổ chức tài chính quốc tế lớn có xu hướng hạn chế cho vay với các dự án nhiệt điện than do vấn đề môi trường. Việc không có bảo lãnh Chính phủ sẽ làm tăng tỷ lệ lãi vay và chi phí vốn vay.
Trong khi đó, với nguồn vốn vay trong nước, theo UBQLV, hiện chưa có tổ chức tín dụng cam kết cho TKV vay vốn thực hiện dự án. “Việc TKV đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho TKV vay đủ vốn và được phép cho vay vượt giới hạn tín dụng với TKV để thực hiện dự án sẽ có khó khăn do dự án không thuộc diện cấp bách, không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định”, UBQLV nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh thêm: Do không có điều kiện bảo lãnh Chính phủ nên các đối tác trước đây là KOSPO và SAMTAN không tiếp tục tham gia hợp tác cùng TKV để đầu tư dự án. Vì thế, vào thời điểm này chỉ có thể xem xét phương thức TKV là nhà đầu tư duy nhất của dự án.
Đánh về về tổng mức đầu tư và hiệu quả dự án, Bộ KH&ĐT đưa ra những ý kiến được cho là rất đáng lo ngại. Bộ này cho rằng, với phương thức đầu tư hiện nay (TKV đầu tư 100% vốn dự án, không bảo lãnh Chính phủ) và cập nhật tỷ giá lẫn các điều kiện thực tế, theo kết quả tính toán lại của TKV, theo hai phương án thu xếp vốn vay, tổng mức đầu tư tăng lần lượt là 54.078 tỷ đồng và 56.018 tỷ đồng (phê duyệt trước đó là 48.516 tỷ đồng tương đương 2,13 tỷ USD); giá điện tăng lần lượt là 2.081 đồng/kWh và 2.222 đồng/kWh; NPV (giá trị tại thời điểm hiện nay của toàn bộ dòng tiền dự án trong tương lai được chiết khấu về hiện tại - PV) giảm lần lượt là 887 tỷ đồng và -3.221 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn từ 28 lên 35 năm.
Khu đất khởi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 chỉ là một bãi đất trống |
Hiệu quả dự án: Nhiều rủi ro?
Về đề xuất của TKV cho phép tăng vốn điều lệ trước và khi cổ phần hóa công ty mẹ, thoái vốn tại các đơn vị để đảm bảo đủ nguồn vốn đối ứng cho dự án (dự kiến trên 10 ngàn tỷ đồng), UBQLV phân tích: Với giá trị vốn chủ sở hữu của dự án hơn 10 ngàn tỷ đồng, thời gian đầu tư trong 5 năm thì giá trị vốn đối ứng hàng năm từ 900 - 2.600 tỷ đồng/năm. TKV đề nghị tăng vốn điều lệ từ 35 lên khoảng 45 ngàn tỷ đồng từ các nguồn đều không khả thi và không phù hợp các quy định pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những cảnh báo về những mức độ rủi ro khi huy động nguồn vốn cho dự án. Theo báo cáo của TKV, chỉ có khả năng huy động đủ vốn vào dự án khi có nguồn tư thoái vốn vào doanh nghiệp khác (trong trường hợp thoái vốn) và nguồn thu từ tăng vốn điều lệ qua cổ phần hóa (trong trường hợp bán được cổ phần), tăng vốn từ lợi nhuận còn lại hàng năm sau khi nộp thuế. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, khả năng tham gia vốn tự có của TKV vào dự án là chưa đảm bảo chắc chắn.
Các bộ, ngành đều có chung nhận định về hiệu quả của dự án nhiệt điện tỷ USD này khi nói rằng: Các kết quả tính toán cho thấy dự án chỉ có hiệu quả ở mức giá điện trên 2.000 đồng/kWh, cao hơn mức giá trần do Bộ Công Thương quy định hiện nay. Bên cạnh đó, thời gian tới EVN sẽ thực hiện việc mua bán điện theo cơ chế cạnh tranh, qua so sánh với mức giá điện của các dự án điện khác cho thấy giá điện của dự án Quỳnh Lập 1 quá cao, khả năng tiêu thụ điện của dự án sẽ rất khó khăn.
Các chuyên gia am tường lĩnh vực nhiệt điện cũng cho rằng, TKV cần rà soát, tính toán lại toàn bộ dự án từ tổng mức đầu tư, giá bán điện, phương án tài chính, hiệu quả dự án... vì đây là điều kiện tiên quyết để xem xét khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án và để Nhà nước cân nhắc có nên quyết định đầu tư dự án hay không. Thậm chí nhiều chuyên gia còn nhấn mạnh, nếu không muốn biến dự án thành “cục nợ” xấu thì TKV nên “buông” ý định tiếp tục dự án nhiệt điện này ở Nghệ An khi mà hai địa phương liền kề tỉnh này đã có nhiều dự án nhiệt điện lớn: Các nhà máy Nhiệt điện ở Vũng Áng ở Hà Tĩnh và Nhiệt điện Nghi Sơn ở Thanh Hóa.
Nên bỏ nhiệt điện làm điện khí?
Việc xây dựng dự án nhiệt điện ở Hoàng Mai được xem có vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung. Trong bối cảnh các tổ chức tài chính quốc tế lớn có xu hướng hạn chế cho vay với các dự án nhiệt điện than do vấn đề môi trường, nếu buộc phải đầu tư một dự án điện ở khu vực này, nhiều chuyên gia về lĩnh vực điện cho rằng Nhà nước nên cân nhắc đầu tư xây dựng nhà máy điện khí thay vì Nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập 1.