Điều 78 Luật Tố tụng Hình sự vừa được thông qua quy định: Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ tương ứng với từng loại đối tượng tham gia bào chữa:
Luật sư xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện hoặc của người thân thích của người bị buộc tội.
Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận;
Trợ giúp viên pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
Tương tư như vậy, trong trường hợp chỉ định, Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận; Trợ giúp viên pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký người bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa trong hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, văn bản này sẽ hết hiệu lực trước khi kết thúc vụ án. Đó là khi người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; Người đại diện của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.
Trong một số trường hợp theo quy định cụ thể trong luật này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng có thể ra thông báo hủy bỏ và thu hồi văn bản này.
Trước đó, tại các phiên thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận người bào chữa và thay bằng thủ tục “đăng ký bào chữa”. Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục quy định cấp Giấy chứng nhận người bào chữa.
Do ý kiến ĐBQH còn khác nhau, UBTVQH đã lấy phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH, kết quả như sau:
- Có 59,10% ý kiến ĐBQH trên tổng số ĐBQH đề nghị bỏ quy định cấp Giấy đăng ký người bào chữa.
- Có 21,86% ý kiến ĐBQH trên tổng số ĐBQH đề nghị giữ quy định cấp Giấy đăng ký người bào chữa.
Tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, để đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, tạo điều kiện cho họ thực hiện việc bào chữa, tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép bào chữa” của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được tham gia bào chữa, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo theo hướng bỏ việc “cấp Giấy đăng ký người bào chữa” thay bằng quy định về thủ tục “đăng ký bào chữa” như đã nói ở trên.
Theo Nghị quyết về việc thực hiện Bộ Luật TTHS sửa đổi, đối với những trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng năm 2003 thì người bào chữa tiếp tục sử dụng cho đến khi kết thúc việc bào chữa.