Bỏ ruộng vì trạm trộn bê tông xả thải ô nhiễm ở huyện Nam Sách

(PLVN) - Được xây dựng và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng hai doanh nghiệp sản xuất bê tông trên địa bàn xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) liên tục bị phản ánh, kiến nghị do ngang nhiên xả thải trực tiếp ra môi trường, gây tiếng ồn và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Nước thải từ trạm trộn bê tông xả thẳng ra môi trường
Nước thải từ trạm trộn bê tông xả thẳng ra môi trường

Ruộng không thể canh tác

Người dân xã Đồng Lạc cho biết, kể từ ngày hoạt động, tại khu trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Vinaincon và Công ty bê tông Thăng Long trên địa bàn xã luôn phát tán ra khói bụi mù mịt cùng những tiếng ồn nghe  “inh tai nhức óc” mỗi khi máy trộn bê tông hoạt động. Tình trạng trên diễn ra nhiều năm, khiến cho sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không những vậy, nước thải sản xuất bê tông của hai công ty luôn trong tình trạng xả trực tiếp ra môi trường và cuốn theo xi măng, các phế phẩm bê tông chảy tràn vào mương nước tưới tiêu đồng ruộng của người dân. Từ đó, lắng đọng lại làm bồi lấp kênh mương, gây ô nhiễm nguồn nước và nghẹt cống thoát nước khiến người dân không canh tác được, phải bỏ hoang đồng ruộng.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc cho biết, thời gian qua, nước thải của Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Vinaincon (Công ty bê tông Vinaincon) đã xả thải trực tiếp ra mương cấp, tiêu thoát nước của xã, có vị trí nằm dọc tuyến Quốc lộ 37, đoạn trước cổng của công ty. Việc xả thải này đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân sinh sống tại một số thôn của xã như Tháp Phan, Đông Duệ, Hảo Thôn, Quan Đình; nước thải bê tông còn chảy tràn vào mương nước tưới tiêu đồng ruộng của người dân thôn Tháp Phan nằm cạnh công ty. 

Theo đó, nước thải chảy ra mương có màu trắng váng đục, lắng đọng lại làm ách tắc mương nước hoặc chảy trực tiếp vào ruộng khiến toàn bộ diện tích ruộng tại khu vực Cửa Nghè thôn Tháp Phan bị thoái hóa, cằn cỗi, năng suất cây trồng kém, không hiệu quả.

Nhiều năm nay, toàn bộ ruộng phía sau công ty, người dân đã phải bỏ trắng do không thể canh tác, trồng trọt. Riêng phần diện tích ruộng bên cạnh công ty, xã và thôn đã phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân mới tiếp tục trồng lúa. Nhưng để hạn chế nước thải làm ảnh hưởng cây trồng, tại mỗi thửa ruộng, người dân đều cách bờ mương một đoạn chừng 5 – 6 mét rồi mới dám cấy lúa và dùng giấy bóng nylon dày quây kín ruộng lại, mục đích vừa để tránh chuột và hạn chế nước thải chảy vào. 

Vào ngày 23/1, qua kiểm tra thực tế, địa phương phát hiện Công ty bê tông Vinaincon tiếp tục có hành vi xả thải trực tiếp ra mương nước dọc Quốc lộ 37. Thôn Tháp Phan đã phải sử dụng máy xúc đắp đất chặn cửa cống để ngăn chặn, không cho nước thải chảy vào mương và ruộng. Nhiều lần, chính quyền và người dân kiến nghị với công ty nhưng đều nhận được sự không hợp tác hay khắc phục. Đoàn kiểm tra của huyện xuống làm việc, công ty này vẫn “ngoan cố” bất hợp tác khiến nhân dân rất bức xúc. 

Ông Lê Văn Duy, công chức địa chính xây dựng xã Đồng Lạc cho hay, cách Công ty bê tông Vinaincon chừng 500m cùng trên trục Quốc lộ 37, Công ty bê tông Thăng Long cũng bị người dân phản ánh về tình trạng xả nước thải bê tông trực tiếp ra môi trường. Cụ thể, công ty xả nước thẳng sang phần đất chưa sử dụng của Công ty TNHH Bình An ngay bên cạnh. Giữa hai công ty vốn có một mương nước chạy thẳng ra khu ruộng ổ Rồng của người dân thôn Miếu Lãng nhưng Công ty bê tông Thăng Long đã tận dụng mương trên làm nơi chứa nước thải. Kiểm tra tại hiện trường cho thấy nước thải sản xuất của công ty liên tục chảy trực tiếp ra mương. Có thời điểm, nước thải nhiều ngập mương, tràn vào ruộng gây ngập úng khiến các hộ dân không cày ải, canh tác được, đành bỏ hoang ruộng.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại, hội nghị của xã, người dân nhiều lần phản ánh nhưng do cả hai công ty không hợp tác, giải quyết và có biện pháp khắc phục. Vì vậy, UBND xã Đồng Lạc đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND huyện Nam Sách cùng các cơ quan chức năng chuyên môn vào cuộc kiểm tra, xem xét và giải quyết nhằm ngăn chặn, hạn chế việc xả thải của hai công ty.

Sẽ kiểm tra việc xả thải của các công ty

Trao đổi với PV Báo PLVN về vấn đề trên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hải Dương cho biết, Công ty bê tông Vinaincon được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011.

Năm 2013, qua kiểm tra, Sở TN&MT Hải Dương phát hiện công ty còn tồn tại các vi phạm về bảo vệ môi trường như: Chưa làm thủ tục xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định; Xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép ra môi trường; Chưa kê khai đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định; Thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ chưa đảm bảo tần suất theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua đó, Sở TNMT đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa công ty vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm từ năm 2013. 

Sau khi được kiểm tra, công ty đã thực hiện một số biện pháp khắc phục như: đã đăng ký chủ nguồn thải và thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý, cải tạo công trình và biện pháp xử lý môi trường.

Năm 2014, do loại hình sản xuất sản phẩm bê tông bị suy thoái thị trường nên hầu hết các cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất. Vì vậy, Sở không rà soát giám sát, kiểm tra đối với các cơ sở có loại hình sản xuất này. Năm 2018, Sở có tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của công ty. Nhưng tại thời điểm đó, công ty đang bị lực lượng công an phong tỏa giải quyết vấn đề liên quan của lĩnh khác nên việc kiểm tra chưa thực hiện được. Đối với Công ty bê tông Thăng Long, Sở TNMT hiện chưa phê duyệt, xác nhận hoặc tiếp nhận hồ sơ nào về lĩnh vực môi trường của công ty.

Theo đại diện Sở TN&MT Hải Dương, qua phản ảnh của người dân như trên, Sở sẽ tiến hành ngay việc kiểm tra, giám sát công tác chấp hành bảo vệ môi trường đối với cả hai doanh nghiệp theo quy định. Từ đó, có những biện pháp xử lý phù hợp nếu công ty có hành vi vi phạm. 

Đọc thêm