Bộ Tài nguyên và Môi trường phản hồi thông tin 'đội thêm chi phí' cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước phản ánh của một số tổ chức, hiệp hội cho rằng, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (gọi tắt là Nghị định) sẽ làm tăng gánh nặng, chi phí về môi trường cho doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) vừa có phản hồi.
Bộ TN&MT phản hồi nhiều thông tin liên quan đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.
Bộ TN&MT phản hồi nhiều thông tin liên quan đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.

Chia sẻ trên báo chí, một số hiệp hội cho rằng, trước đây chỉ các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và xin Giấy phép môi trường (GPMT), nhưng với quy định mới, các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II (kể cả đã hoạt động) cũng phải thực hiện các thủ tục trên.

Giải đáp vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, quy định về đối tượng phải thực hiện ĐTM và GPMT trong dự thảo Nghị định là đúng quy định pháp luật. Theo Luật Bảo vệ Môi trường, đối tượng phải thực hiện ĐTM là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa.

Về trình tự, thủ tục cấp GPMT, Bộ TN&MT cho biết, dự thảo Nghị định mới (bản cập nhật đến ngày 16/9/2021, đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định) đã tiếp thu các ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp GPMT.

Với ý kiến cho rằng, phần lớn doanh nghiệp phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (khi thẩm định ĐTM và khi thẩm định cấp GPMT), đại diện Bộ TN&MT lý giải: "Chỉ trong trường hợp cần thiết cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM mới tổ chức khảo sát thực tế khu vực dự kiến triển khai dự án để phục vụ công tác thẩm định ĐTM, đây không phải là hoạt động kiểm tra. Đối với việc cấp GPMT, dự thảo Nghị định cũng chỉ quy định trong trường hợp cần thiết đối với các dự án thuộc nhóm I, nhóm II, cơ quan cấp GPMT mới thành lập đoàn kiểm tra”.

Về quan trắc chất thải, đại diện Bộ TN&MT cho biết đã chỉnh lý theo nhiều ý kiến góp ý của các hiệp hội, doanh nghiệp; bỏ quy định mức xả thải càng lớn thì phải thực hiện tần suất quan trắc định kỳ càng nhiều.

Về đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục, dự thảo Nghị định đã tiếp thu ý kiến góp ý, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và chỉnh lý theo hướng lùi thời gian phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với tất cả các trường hợp đến hết ngày 31/12/2024. Đối với các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời gian này.

Đại diện Bộ TN&MT cho rằng, việc đưa cơ sở chế biến thủy sản vào danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là cần thiết và phù hợp. (Ảnh minh họa).

Đại diện Bộ TN&MT cho rằng, việc đưa cơ sở chế biến thủy sản vào danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là cần thiết và phù hợp. (Ảnh minh họa).

Bộ TN&MT cũng lý giải nhiều thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến trách nhiệm tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu; việc đưa cơ sở chế biến thủy sản thuộc mục III (danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường)...

Theo chia sẻ của Bộ TN&MT, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Đọc thêm