Theo đó, các bị cáo trong vụ án gồm Võ Hồng Thái (SN: 1960, nguyên Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch), Dương Xuân Thu (SN: 1958, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nhân Trạch) Dương Quang A (SN: 1956, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhân Trạch), Dương Đình Cưng (SN: 1976, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nhân Trạch) Lê Thanh Hoành (SN: 1973, nguyên Phó Chủ tịch xã Nhân Trạch) và bị cáo Dương Quang Tám (SN: 1977, - nguyên Phó Chủ tịch xã Nhân Trạch)
Căn cứ buộc tội
Theo cáo trạng của VKS huyện Bố Trạch, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (gọi tắt là Chương trình 167 -PV), năm 2009 huyện Bố Trạch xét duyệt cho xã Nhân Trạch 57 hộ được hỗ trợ trong đó có ba hộ Lê Xề, Phạm Quang Tánh, Hồ Sương (cùng trú tại xã Nhân Trạch).
Trong khi nguồn kinh phí 167 chưa chuyển về thì 3 hộ dân trên được các nguồn khác hỗ trợ làm xong nhà.
Đến ngày 24/9/2010, bà Nguyễn Thị Ngoan (thủ quỹ xã Nhân Trạch) nhận kinh phí 167 và vẫn có tiền cấp cho ba hộ dân ở trên đưa về nhập quỹ của xã Nhân Trạch.
Gần 2 tháng sau, ông Lê Quang Hoành là Phó chủ tịch xã kiêm Trưởng ban xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết rút 86,4 triệu đồng ra để chi cho 12 hộ dân theo biên nhận tiền nhưng do 3 hộ Lê Xề, Phạm Quang Tánh và Hồ Sương đã được xây xong nhà từ nguồn hỗ trợ khác nên ông Hoành đã làm thủ tục giữ lại tiền để chờ xin cấp cho hộ khác.
Để hoàn chỉnh hồ sơ, ông Hoành trực tiếp lập giấy biên nhận tiền và đưa cho nhân thân của 3 hộ dân trên ký vào. Đồng thời, ông Hoành còn lập biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng của 3 hộ dân kèm theo chữ ký của ông Dương Đình Cưng (Chủ tịch MTTQ xã Nhân Trạch) và giữ lại số tiền 21,6 triệu đồng.
Đến khi ông Thái lên làm chủ tịch xã vào tháng 11/2010, ông Hoành vẫn tiếp tục được làm Trưởng ban 167 còn ông Cưng làm Phó ban.
Ông Nguyễn Phú Quảng (Thẩm phán TAND huyện Bố Trạch) làm chủ tọa phiên tòa. |
Cho tới khi gần Tết nguyên đán năm 2012, thấy số tiền của 3 hộ dân trên dôi dư nên ông Thái đã chỉ đạo ông Hoành lập danh sách chi tiền cho 6 người (4 thường vụ, 2 phó chủ tịch) để “tiêu Tết rồi tính sau”.
Sau đó, ông Hoành đã mở trang gần cuối của quyển sổ tay cá nhân lập “danh sách nhận tiền” rồi gọi từng người đến phòng làm việc vào ngày 20/1/2012 để nhận tiền và ký nhận.
Ngày 23/12/2010, Ban cứu trợ huyện Bố trạch tiếp tục chi tiền hỗ trợ làm nhà, 3 hộ dân trên vẫn có “xuất” nên bà Phạm Thị Hương (Cán bộ Hội phụ nữ xã kiêm thủ quỹ UBMTTQ xã) đã lập khống biên nhận tiền của 3 hộ trên và giữ lại 9 triệu đồng.
Đến ngày 15/2/2012, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục hỗ trợ thêm 2,2 triệu đồng/hộ nghèo và 3 hộ dân trên vẫn có tên trong danh sách nên vẫn được trợ cấp, ông Hoành đã lập khống (tự ký biên nhận tiền của ba hộ) và nhận 6,6 triệu đồng từ quỹ của xã cất giữ chờ giải quyết.
Do số tiền trợ cấp của cả 3 hộ chưa được giải quyết nên ông Cưng đã chỉ đạo bà Hương chuyển số tiền 9 triệu sang cho ông Hoành. Như vậy tổng số tiền của 2 nguồn trong đợt 2 mà ông Hoành cất giữ là 15,6 triệu đồng.
Và rồi cũng giống như lần trước, trong dịp giáp Tết nguyên đán năm 2014, 6 cán bộ xã lại tiếp tục ký vào “danh sách nhận tiền” trong sổ tay của ông Hoành như năm 2012.
Sự việc sau đó bị phát hiện, ông Hoành làm đơn tố cáo lên UBKT của huyện. Sau đó, các cán bộ xã lần lượt ra hầu tòa vào ngày 7/6/2016 nhưng TAND huyện Bố Trạch đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì không đủ căn cứ kết tội ông Dương Quang Tám phạm tội Tham ô tài sản.
Tuy nhiên, phía Viện kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch lại không trả về cho cơ quan CSĐT để điều tra bổ sung như yêu cầu của tòa mà “đẩy lại” cho Tòa án huyện Bố Trạch tiếp tục đưa vụ án ra xét xử mặc dù không bổ sung thêm được tài liệu gì.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng việc kết tội bị cáo Tám Tham ô tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là chưa đủ cơ sở. |
Thay đổi tội danh tại tòa
Ngày 21/7/2016, TAND huyện Bố Trạch tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.
Khai nhận tại tòa, bị cáo Thu cho biết về việc thực hiện quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2008, thời điểm đó bị cáo đang là Chủ tịch xã. Do tin tưởng , UBND xã đã giao cho bị cáo Hoành đảm nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các đơn vị tổ chức làm nhà hộ nghèo bị cáo Hoành không báo cáo lại với bị cáo Thu nên không nắm rõ.
Đến tháng 11/2010, bị cáo chuyển sang làm Bí thư xã cho nên công việc liên quan đến quyết định 167 thì bị cáo Hoành vẫn phụ trách và quản lý.
Còn bị cáo Thái khai nhận, từ tháng 11/2010, lên làm Chủ tịch xã nhưng do công tác bàn giao chưa hoàn chỉnh nên chưa đảm nhiệm việc Chương trình 167. Sau một thời gian, do bị cáo Hoành đã và đang phụ trách thực hiện Quyết định 167 nên cũng đồng ý để cho ông Hoành làm Trưởng ban và lập toàn bộ hồ sơ tài liệu để đền bù cho người nghèo.
Về việc giữ lại tiền của 3 hộ, bị cáo Thái khẳng định là không biết và không quyết định số tiền này. Vào năm 2012, bị cáo A hỏi về số tiền 3 hộ làm nhà đã thanh toán chưa thì bị cáo Thái chỉ biết là có giao cho ban chỉ đạo 167 của xã.
Đồng quan điểm với bị cáo Thu và bị cáo Thái, bị cáo Cưng, bị cáo A và bị cáo Tám đều khẳng định là không có sự bàn bạc, trao đổi gì về việc chia số tiền hỗ trợ của 3 hộ Xề, Sương, Tánh mà chỉ biết vào thời điểm đó, sau khi ông Hoành được làm Trưởng ban 167 thì vào dịp Tết năm 2012 và 2014 Hoành gọi sang nhận tiền và ký vào sổ tay cá nhân của Hoành mà không hề biết là số tiền gì.
Trái với lời khai của 5 bị cáo còn lại, bị cáo Hoành khai nhận, sau khi biết ba hộ dân Xề, Sương, Tánh được hỗ trợ làm nhà, phần tiền dôi dư bị cáo đã giữ lại và đã báo cáo cho chủ tịch xã.
Khoản tiền lần 1 dôi dư của 3 hộ trên bị cáo Hoành giữ lại trong vòng 1 năm, thấy chưa giải quyết nên đề nghị UB thường vụ giải quyết nhưng chưa được chấp nhận.
Đến ngày 27 Tết âm lịch 2012, ông Thái sang và nói giải quyết cho 4 thường vụ và 2 phó chủ tịch nên đã lập “danh sách nhận tiền 167”
Đến lần 2, bà Phạm Thị Hương (Cán bộ Hội phụ nữ xã kiêm thủ quỹ UBMTTQ xã) đã trực tiếp mang số tiền của 3 hộ dân trên cho Hoành thì bị cáo đã làm biên lai và đưa ông Thái ký rồi bị cáo cầm tiền (của UBMT) chia cho anh em tiền Tết.
Chuyển sang phần tranh tụng, luật sư Đặng Văn Cường – người bào chữa cho bị cáo Dương Quang Tám khẳng định hành vi (nhận tiền thưởng tết) của bị cáo Dương Quang Tám không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội Tham ô tài sản.
Bởi vì, về mặt khách quan thì người phạm tội tham ô tài sản phải phải là chủ thể đặc biệt. Trong vụ án này, bị cáo Dương Quang Tám không có chức vụ, quyền hạn gì liên quan tới việc giải quyết chính sách cho hộ nghèo (nhiệm vụ này do bị cáo Hoành thực hiện); Đồng thời, bị cáo Tám cũng không lợi dụng chức vụ Phó chủ tịch UBND xã để lấy số tiền trên…
Như vậy, bị cáo Tám không thực hiện hành vi tham ô tài sản, cũng không thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm (không chỉ huy, không xúi giục, không giúp sức cho bị cáo Hoành thực hiện hành vi tham ô tài sản).
Theo nội dung vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì việc lập hồ sơ, lấy chữ ký của ba hộ dân để lấy tiền của ba hộ này do bị cáo Hoành một mình thực hiện, bị cáo Tám không tham gia, cũng không biết về những công việc này của Hoành (khi đó Tám đang đi học trên tỉnh).
Theo quy định pháp luật thì thời điểm Hoành hoàn tất hồ sơ, lấy chữ ký của ba hộ dân vào giấy biên nhận tiền và giữ lại số tiền đó là thời điểm tội phạm hoàn thành, hành vi của Hoành thỏa mãn các dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Đến thời điểm đó, bị cáo Tám không hề hay biết, không tham gia giúp sức, không xúi giục bị cáo Hoành thực hiện hành vi phạm tội nên hành vi nhận tiền sau đó (năm 2012 và năm 2014) của bị cáo Tám không cấu thành tội tham ô tài sản.
Về mặt chủ quan của tội tham ô tài sản thì người thực hiện tội tham ô tài sản phải với lỗi cố ý (biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật, cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra). Tuy nhiên, không có tài liệu, chứng cứ nào trong hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Tám biết số tiền trên có nguồn gốc từ đâu và do ai quản lý. Vì vậy hành vi của Tám không thỏa mãn dấu hiệu của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Bà Nguyễn Thị Vân – Viện phó VKSND huyện Bố Trạch cho rằng tài liệu có chữ viết "167" phô tô gửi lên trên UBKT huyện của bị cáo Hoành chỉ là tài liệu tham khảo nên không đưa vào trong hồ sơ vụ án. |
Đồng quan điểm với luật sư Cưởng, luật sư bào chữa cho bị cáo Thái khẳng định căn cứ luận tội của VKS là không có cơ sở, bởi lẽ VKS chỉ căn cứ vào cuốn sổ tay cá nhân của bị cáo Hoành từ đó tự quy kết có cuộc họp của UBND xã về việc chia tiền 167 cho 6 cán bộ xã.
Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Hoành khai nhận về chữ viết “167” trong sổ tay khi chuyển lên UBKT huyện ủy là không có vì đã che vào. Còn ở tòa thì Hoành khai nhận xóa đi rồi viết lại.
Căn cứ “167” là căn cứ tố cáo lại không thể hiện rõ, về văn bản bàn giao hồ sơ giữa UBKT huyện ủy với cơ quan công an có thể hiện “Giấy biên nhận tiền” chứ không hề có chữ “167”.
Như vậy có thể nói “chữ 167” là khởi nguồn của vụ án và là căn cứ để làm đơn tố cáo của bị cáo Hoành nhưng lại không được giám định chữ viết mà đã buộc tội các bị cáo là thiếu khách quan trong vụ án này.
Đối đáp luận điểm của hai luật sư, bà Nguyễn Thị Vân – Viện phó VKSND huyện Bố Trạch giữ quyền công tố lập luận, tại thời điểm hành vi làm khống hồ sơ như bị cáo Hoành và chị Hương chưa có ý thức chiếm đoạt tài sản.
Vụ việc này bị cáo Hoành chiếm giữ tiền và không sử dụng mục đích cá nhân. Vì vậy thời điểm này bị cáo Hoành chưa chiếm đoạt nên chưa thể hoàn thành tội Tham ô. Chỉ đến khi các bị cáo chia nhau tiền hỗ trợ người nghèo lúc đó tội phạm mới hoàn thành.
Đánh giá chứng cứ trong vụ án, bà Vân khẳng định cuốn sổ tay của bị cáo Hoành đã ghi rõ thời điểm, thành phần vì vậy việc đánh giá chứng cứ là khách quan, đúng pháp luật.
Ngoài chữ viết “167” có trong hồ sơ vụ án, VKS còn căn cứ vào các lời khai và các chứng cứ khác để buộc tội các bị cáo.
Chuyển sang phần nghị án, nói lời sau cùng bị cáo Hoành thừa nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng truy tố đồng thời mong muốn HĐXX xem xét cho bị cáo được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì là người đứng ra tố cáo các bị cáo khác.
Đối với 5 bị cáo còn lại, tất cả đều đề nghị HĐXX giám định chữ viết “167” để có thể xem xét về mặt tội danh. Riêng bị cáo Tám khẳng định mình bị oan trong vụ án này nên đã không nhận tội. Bị cáo Tám mong muốn HĐXX trả lại tự do và công bằng cho bản thân.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, cũng những lời khai, chứng cứ đã được thẩm tra tại tòa, HĐXX khẳng định 4 bị cáo Thái, Thu, Cưng, Hoành đã phạm tội Tham ô tài sản theo đúng như bản cáo trạng truy tố. Riêng 2 bị cáo A và Tám thì phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ngày 22/6, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Phú Quảng (Thẩm phán TAND huyện Bố Trạch) đã ra quyết định xử phạt bị cáo Thu 30 tháng tù, bị cáo Cưng 27 tháng tù, bị cáo Hoành 24 tháng tù, bị cáo Thái 15 tháng tù, bị cáo A 12 tháng tù và bị cáo Tám 10 tháng tù theo đúng tội danh đã xác định trước đó.