Gặp ông giữa cái se lạnh của biển Quy Nhơn một ngày cuối năm khi ông tới Bình Định làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định và các Bộ, ngành liên quan nhằm trao đổi, thống nhất các nội dung để triển khai Dự án Tổ hợp lọc, hoá dầu Nhơn Hội theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã may mắn được nghe những chia sẻ đầu xuân của người đứng đầu ngành Tư pháp.
Hỏi ông về những thành quả tâm đắc nhất của một năm công tác bận rộn đã qua và những ưu tiên công tác cho năm Ất Mùi, thật bất ngờ khi nghe Bộ trưởng Hà Hùng Cường bật mí về những niềm vui tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại rất đỗi nhân văn.
Vui vì nói được tiếng nói của lòng dân
Có chứng kiến những đau đáu, trăn trở của Bộ trưởng Hà Hùng Cường khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) mới thấy, suốt 7-8 năm qua ông chưa bao giờ quên lời hứa “sẽ luôn cố gắng nhìn nhận công tác tư pháp dưới con mắt của người dân” khi ông từ Quảng Bình trở về Hà Nội tháng 8 năm 2007.
Khi Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất mừng. Ông bảo: “Cuộc sống muôn hình vạn trạng, với những người bình thường thì có thể có những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình được sửa đổi, bổ sung sẽ không tác động nhiều, nhưng với hàng trăm ngàn người vốn sinh ra đã chịu thiệt thòi về giới tính, với hàng vạn cặp vợ chồng hiếm muộn, việc dỡ bỏ một điều cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, bổ sung một quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là cả một niềm hạnh phúc lớn lao. Dù chỉ là hai trong hàng ngàn quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), nhưng có thể nói là một cuộc cách mạng trong tư duy lập pháp của Quốc hội, nếu đem so sánh với những điều ta vẫn được xem là truyền thống của người Việt. Điều đó ý nghĩa lắm”.
Niềm vui nhân đôi khi sau bao trắc trở, Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Lần đầu tiên, một lĩnh vực có liên quan mật thiết đến mọi người dân từ lúc khai sinh đến khi chết, đến các quyền con người của họ đã được điều chỉnh bởi một văn bản ở tầm Luật.
Nói tới Luật Hộ tịch, tôi lại nhớ tới câu chuyện của Bộ trưởng Hà Hùng Cường ở Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp 2015. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị tư pháp các địa phương lý giải xem tại sao số liệu thống kê ban đầu của ngành Tư pháp cho thấy năm 2014, rà đi soát lại vẫn còn hơn 1,5 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh mới đúng hạn, trong khi số liệu thống kê dân số cho biết hiện nay mỗi năm nước ta chỉ có hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra?
Bộ trưởng cho biết: ”Tới đây, khi đăng ký khai sinh thì ngoài việc được cấp Giấy khai sinh, người được đăng ký khai sinh đồng thời được cấp Số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi cá nhân, không lặp lại ở người khác trong hàng trăm năm. Số định danh cá nhân cũng chính là số Thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi. Như vậy, tình trạng một người có 2 hay 3 giấy khai sinh, tùy tiện cải chính ngày tháng năm sinh, các sự kiện hộ tịch khác sẽ không còn cơ hội để tồn tại nữa”.
Chắc chắn, không chỉ người dân được hưởng lợi từ những quy định cải cách đáng kể thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân, mà những quy định chặt chẽ tại Luật Hộ tịch sẽ trở thành hành lang pháp lý quan trọng giúp công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta bước sang một giai đoạn mới, đi vào chính quy, hiện đại.
Nhìn lại một năm công tác đã qua, có thể thấy, trong những thành quả mà ngành Tư pháp đã đạt được, Bộ trưởng Hà Hùng Cường luôn dành sự ưu tiên hơn để nói về những việc mà Ngành đã giúp ích được cho người dân. Và cuộc sống của người dân cũng luôn là trăn trở hướng đến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường khi nói về những nhiệm vụ cần tập trung của Ngành trước thềm một năm mới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Bộ trưởng Hà Hùng Cường là người rất thực tế. Ông miệt mài không ngừng vì sự lớn mạnh của ngành Tư pháp nhưng ông không bao giờ viển vông. Bộ trưởng Hà Hùng Cường luôn nhắc nhở cán bộ, công chức toàn ngành về ý nghĩa của việc xây dựng một hệ thống tư pháp cơ sở vững mạnh để không trở thành ”Người khổng lồ trên đôi chân khẳng khiu”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đặc biệt lưu ý: "Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân đã giao cho giao cho ngành Tư pháp ngày càng nhiều chức năng, nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Với Hiến pháp sửa đổi, lịch sử đang mở ra cho Ngành nhiều cơ hội lớn lao. Bởi vậy, mỗi cán bộ, công chức cần luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng cống hiến”.
Cũng không mấy ngạc nhiên khi hỏi về ưu tiên của ông cho các nhiệm vụ cần trọng tâm trong công tác tư pháp năm 2015, Bộ trưởng Hà Hùng Cường vẫn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có lẽ, đối với anh em báo chí, những trăn trở về ”Hệ thống pháp luật của chúng ta vào loại phức tạp nhất thế giới” đã gắn với ”thương hiệu” Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
Bộ trưởng chia sẻ: ”Trăn trở nhất của tôi và có lẽ cũng là của nhiều người dân là hệ thống pháp luật của chúng ta quá phức tạp. Vì có quá nhiều loại văn bản pháp luật khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau, từ Trung ương đến cấp xã được ban hành, nên pháp luật của chúng ta rất khó tuân thủ; tuân thủ cho được thì chi phí cũng rất tốn kém. Văn bản chồng chất lên nhau như vậy thậm chí khiến cho ranh giới giữa cái đúng, cái sai nhiều khi là rất mong manh”.
Điều này không chỉ gây khó cho sự tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, mà còn làm thui chột sự sáng tạo, bởi nhiều khi vì sợ mạo hiểm, sợ sự rủi ro từ các quy định của pháp luật mà người ta ”thà không làm còn hơn”. ”Đó là một điều rất tai hại đối với sự phát triển của đất nước” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.
Chính vì thế, Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong nhận được sự tiếp tục chia sẻ của xã hội cũng như của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự đồng thuận của Quốc hội để Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thông qua tới đây với những quy định thực sự mang tính cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận và chi phí tuân thủ thấp.
Nói về những ưu tiên công tác của năm 2015, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Cả hai Bộ luật này, Bộ trưởng khẳng định, đứng về mặt chủ trương, dứt khoát phải thoát khỏi tư duy bao cấp, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là trong cơ chế thị trường, các quy định của Bộ luật Dân sự phải khác. Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mà tiếp tục bảo vệ các quan hệ dân sự của nền kinh tế bao cấp thì sẽ là sai lầm.
Tương tự như vậy, về phương diện kinh tế, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng phải làm rõ trong nền kinh tế thị trường thì cái gì cần được bảo vệ, hành vi nào cần trừng phạt, hành vi nào không cần trừng phạt. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng rất trăn trở trước thực tế có những vụ án lớn về kinh tế, bản án đã tuyên rồi, quy định của pháp luật là như vậy nhưng dư luận của nhân dân vẫn có cái gì đó chưa “Tâm phục, khẩu phục”, ranh giới giữa cái đúng và cái sai còn rất mong manh.
Có điều, khi nói về 2 dự án Luật này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất trăn trở trước thực tế “Không có đất nước nào như nước ta cứ 10 năm lại mang Bộ luật Dân sự ra sửa đổi toàn diện một lần! Bộ luật dân sự vốn là đạo luật nền điều chỉnh mọi quan hệ xã hội trong đời sống dân sự của người dân, trong hoạt động kinh tế, thương mại của doanh nhân, doanh nghiệp. Mỗi lần sửa đổi toàn diện như vậy sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi trong việc điều chỉnh đời sống đó thì khó mà có thể nói đến sự ổn định của môi trường pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước!”
Bởi vậy, Bộ trưởng mong muốn: “Việc xây dựng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự phải là việc của toàn dân. Mỗi người góp một tiếng nói thì sẽ có được bộ luật tốt, mới khắc phục được tình trạng ban hành luật “trên trời”.
Còn nhiều ưu tư trước công cuộc cải cách tư pháp
Trở lại với những tâm sự của Bộ trưởng Hà Hùng Cường trước biển Quy Nhơn một ngày lộng gió, Bộ trưởng Hà Hùng Cường không né tránh nói thẳng “những tâm tư” của người đứng đầu ngành Tư pháp trước những việc tưởng như đã đến nơi, nhưng rồi lại không đi đến đâu của công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng bộc bạch: “Có những việc được Nghị quyết 49 xác định rất rõ chủ trương, có lộ trình thực hiện cụ thể, được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nhưng khi đi vào thực hiện, người ta lại lấy những chủ trương ngắn hạn trong kế hoạch 5 năm, 10 năm để thể chế hóa thành các quy định của luật nên có nhiều bất cập”. Một ví dụ được Bộ trưởng nêu ra là việc Cương lĩnh khẳng định quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; Hiến pháp năm 2013 cũng đã ghi nhận đầy đủ, thậm chí còn xác định chỉ có Toà án mới là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Nhưng kiểm soát thực hiện quyền tư pháp như thế nào thì phải Chính phủ - quyền lực hành pháp? Làm thế nào để Toà án thực sự độc lập mà vẫn đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng vẫn đang còn là những vấn đề còn bỏ ngỏ, sự cải cách dở dang.
Bộ trưởng cũng kỳ vọng kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ đưa ra được những quyết sách cụ thể cho mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng thực sự đổi mới tư duy để tất cả các địa phương đều có thể phát huy cao nhất sự sáng tạo, tự chủ của mình trong môi trường Nhà nước cộng hòa đơn nhất, chứ không phải liên bang. Việc thành lập Hội đồng nhân dân như thế nào, vị trí như thế nào trong quan hệ với Chính phủ trong một nền hành chính thống nhất?.
Bộ trưởng nhận định: “Rất nhiều người nhầm tưởng rằng tất cả các cấp hành chính đều phải có Hội đồng nhân dân để kiểm soát hoạt động của Ủy ban nhân dân, nên anh nào cũng muốn giữ lại. Quan niệm không đúng bản chất vấn đề thì sẽ khiến cho một nhà nước cộng hoà đơn nhất bị biến thành các lãnh địa”…
Nghe những tâm tư của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, chúng tôi có cảm nhận rằng, niềm vui của Bộ trưởng ngày càng đi vào những việc cụ thể gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân, còn những trăn trở của Bộ trưởng thì ngày càng dầy thêm gắn với những âu lo của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn nhiều khó khăn, thách thức. Tin rằng, trước thềm một năm mới, những nhiệt huyết, trăn trở của Bộ trưởng sẽ lan toả tới mỗi cán bộ, công chức của toàn Ngành, biến thành luồng năng lượng mới, tạo nên những kết quả thiết thực chào đón dấu mốc quan trọng Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống của Ngành Tư pháp.