Tại đây, Đoàn công tác do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu đã có cuộc gặp gỡ và cùng với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtun, Tổng lãnh sự Liên bang Nga Anatoly V.Borovik thăm cán bộ và nhân viên Cảng của Liên doanh Vietsovpetro.
Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được thành lập và hoạt động trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa nước CHXHCN Việt Nam và Liên Xô (cũ) ký kết vào năm 1981 và Hiệp định sửa chữa ký năm 1991 với nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở các lô trên thềm lục địa Việt Nam.
Sau gần 33 năm hoạt động, đến nay Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã thực hiện một khối lượng lớn các công việc như: đã khoan 323 giếng khoan thăm dò - khai thác với hơn 1,3 triệu mét khoan, xây dựng 12 giàn cố định, 2 giàn công nghệ trung tâm, 9 giàn nhẹ, 3 giàn bơm ép nước, 4 trạm rót dầu không bến, 2 giàn nén khí, 2 giàn khoan tự nâng, trên 325km đường ống nội mỏ và 17 phương tiện nổi gồm các tàu cẩu, tàu dịch vụ, tàu lặn và tàu chống cháy...
Tại căn cứ tổng hợp trên bờ đã xây dựng một tổ hợp tương đối hoàn chỉnh các công trình, kho cảng đảm bảo cung ứng dịch vụ cho công tác tìm kiếm - thăm dò, cảng chuyên dụng gồm 10 cầu cảng dài 1.300 mét và 2 bãi lắp ráp phục vụ cho công tác lắp ráp giàn khoan; đã khai thác được trên 210 triệu tấn dầu từ mỏ Bạch Hổ, Rồng với tổng mức doanh thu bán dầu đến nay đạt trên 70 tỷ USD, nộp ngân sách và lợi nhuận cho Nhà nước gần 45 tỷ USD, thu gom và cung cấp vào bờ trên 16,5 tỉ mét khối khí đồng hành và khí hóa lỏng, bơm vào vỉa 185,8 triệu mét khối nước biển nhằm bảo tồn áp suất vỉa… Tính từ khi khai thác mỏ đến hết năm 2013, Vietsovpetro đã khai thác 208 triệu tấn dầu, cung cấp vào bờ trên 26,3 tỷ mét khối khí đồng hành…
Dịp này, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtun đã chúc tết và chúc cho sự hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng hiệu quả hơn, điển hình là Liên doanh Vietsovpetro. Đặc biệt là ngài Đại sứ đã ôn lại những kỷ niệm đẹp với Bộ trưởng Hà Hùng Cường – một người bạn thân thiết khi Bộ trưởng còn ở Liên bang Nga (Liên bang Xô Viết trước đây) học tập và làm việc.
Có thể nói, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đại sứ Liên bang Nga Andrey G.Kovtun đong đầy cảm xúc giữa hai người bạn - như tình hữu nghị Việt Nam và Liên bang Nga. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cảm động trước những tình cảm mà Đại sứ Liên bang Nga dành cho Bộ trưởng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với Vietsovpetro, Bộ trưởng xúc động khi gặp lại chiếc tàu Trường Sa – chính là chiếc tàu “năm xưa” mà Bộ trưởng đã “giải cứu” thành công từ Singapore. Vào năm 1994, tàu Trường Sa bị tạm giữ tại cảng của Singapore do liên quan đến một vụ tranh chấp giữa Vietsovpetro và Huyndai Hàn Quốc. Bộ trưởng Hà Hùng Cường lúc bấy giờ với vai trò là Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế và Hợp tác quốc tế đã tham gia trực tiếp vào việc thỏa thuận, hòa giải để tàu Trường Sa có thể rời cảng Singapore về phục vụ sản xuất đến bây giờ.
Tàu Trường Sa với chiều rộng 54,51m, chiều dài 141,41m, được hạ thủy năm 1984 tại Hà Lan, là một trong hai tàu cẩu (Trường Sa, Hoàng Sa) có sức nâng từ 600 - 1.500 tấn – là tàu lớn nhất Việt Nam chuyên sử dụng để lắp đặt các công trình biển, chân đế và Topside giàn khoan dầu khí ngoài thềm lục địa Việt Nam.
Năm 2011, tàu Trường Sa được hoán cải lắp đặt thêm hệ thống rải ống dầu và khí tự động trên tàu góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng tàu mỗi năm hàng trăm triệu USD.