Hoa mận nở trắng Mộc Châu. Ảnh MH: internet |
Qua địa phận Mai Châu - Hòa Bình, tỉnh Sơn La đón khách bằng những rừng hoa mận nở trắng triền núi nhấp nhô, trải dài như tấm khăn lụa trắng của nàng tiên ham chơi bỏ quên nơi địa giới. Tháng 2, 3 là tháng bung hoa của loại mận tam hoa – một thứ quả đặc sản của mảnh đất Sơn La. Xen giữa những rừng mận trắng là những cánh đào rừng phớt hồng vươn cao trên thân mốc khẳng khiu. Rồi những ruộng hoa cải trắng muốt, hoa xuyến chỉ phớt tím…
Gọi cung đường từ thung lũng Mai Châu đến cao nguyên Mộc Châu là “đường hoa” kể cũng không có gì là quá. Hơn chục năm trước, khi người thành phố, đặc biệt là người Hà Nội chưa có thói quen chơi đào rừng thì ven đường lên cao nguyên Mộc Châu đẹp lắm với những rừng đào. Nhưng giờ, cứ tầm qua Tết ông Táo, lũ lượt xe ô tô biển số thành phố, thậm chí cả xe biển xanh kĩu kịt chở đào rừng về, để lại những gốc đào mốc bị cưa sát gốc, để lại những triền núi ngác ngơ vì vắng bóng hoa đào.
Sáng 30 ở chợ tết gần nhà, bắt gặp một cành đào trắng muốt được bán lẫn với đào phai, đào bích. Màu trắng của cánh đào thật tinh khôi, thật tương phản với lá xanh, thân xám gầy. Bận việc cúng bái tất niên nên tôi cũng chỉ kịp ghé nhìn để rồi ngẩn ngơ tiếc mãi vì không được ngắm lâu. Nào ngờ giữa cao nguyên Mộc Châu lộng gió tôi đã được gặp lại những cây đào trắng tuyệt đẹp.
Tuy không vươn cao như đào rừng, dày hoa như đào thường, nhưng đào trắng có vẻ đẹp đã nhìn một lần khó có thể quên. Hỏi thêm “bác Gúc gờ” mới hay đào trắng có rải rác ở Nhật Tân do khách không có nhu cầu nhiều nên ít người trồng, thường hoa đào trắng chỉ có trong các cây đào ghép với đào bích, đào phai. Hóa ra ở đời có rất nhiều thứ ở gần ta mà có khi cả đời ta chẳng biết đến, nếu chẳng có duyên…
Năm nay kinh tế khó khăn nên người Mộc Châu ngay từ đầu năm đã lắm tâm sự. Bà Nguyễn Thị Nga bán nước ven đường Trần Huy Liệu, thị trấn Mộc Châu cho biết, mọi năm cứ mùng 2 Tết là bà đã mở hàng bán cho khách du lịch, nhưng năm nay vì vắng khách quá nên mùng 4 Tết bà mới lục tục dọn quán ra. Bản Pom Coọng, huyện Mai Châu, Hòa Bình cách hơn bảy chục cây số cũng chung tình trạng đìu hiu như vậy.
Nhân nhắc tới quán nước ở Mộc Châu cũng nói thêm rằng, có lẽ đây là vùng đất duy nhất trên cả nước có bán sữa tươi roi rói. Cũng dễ hiểu thôi vì đây là Mộc Châu - lãnh thổ của bò sữa và thảo nguyên xanh. Gì chứ sữa là thứ “nhà trồng được”. Người Mộc Châu, nếu ai không hiểu sẽ đánh giá họ ít hiếu khách, kể cả những dịp lễ tết thế này. Dọc cung đường của thị trấn Nông Trường (cao nguyên Mộc Châu có hai thị trấn là thị trấn huyện Mộc Châu và thị trấn Nông Trường) những chuồng bò san sát.
Nhìn các chú bò sữa đen trắng cao lớn, nhiều người thích nhưng cứ thử đến gần mà xem, ông chủ nhà sẽ tiến ra xua tay, lắc đầu quầy quậy. Không dám đuổi khách, nhưng cũng không muốn người lạ đến xem bò vì lo sợ dịch bệnh vô hình trung theo vào qua quần áo, giày dép của khách. Một con bò mắc dịch là cả nhà, cả đàn, cả thị trấn khổ, thiệt hại kinh tế nhìn thấy ngay. Chả thế mà ở Mộc Châu, cửa cổng hộ nuôi bò nào cũng rải trắng vôi để tiệt trùng.
Ở thị trấn Nông Trường, mấy ngày Tết chỗ nhộn nhịp nhất có lẽ là các trạm thu mua sữa. Người nghỉ Tết chứ bò đâu biết nghỉ, sữa vẫn chảy đều chờ vắt. Thế nên, bất kể 30 hay mùng 1, 2, 3 Tết, cứ tầm 5-6 giờ chiều là trạm thu mua sữa nhộn nhịp người. Các hộ chăn bò kìn kìn chở sữa đến giao, nhà ít 2 thùng, nhà nhiều 5-6 thùng…
Người nào lang thang ở miền núi nhiều sẽ biết phụ nữ H’Mông không nói giỏi tiếng Kinh bằng đàn ông H’Mông. Thế nên họ đi xuống chợ mua bán cứ phải có chồng đi cùng làm phiên dịch, để rồi sau đó “phiên dịch viên” sẽ được trả công bằng bữa rượu ngô cay, thắng cố nóng say túy lúy đến mức phải trở về nhà trong tư thế vắt vẻo như… bao ngô trên lưng ngựa. Vậy mà ở Mộc Châu tôi đã gặp người phụ nữ H’Mông đang lúi húi viết một câu tiếng Kinh vào tấm bìa để treo ở cửa vườn cải nhà mình: "Cấm chụp ảnh vườn cải”.
Dòng chữ trên bình thường thôi, nhưng cũng đủ xao lòng những người biết suy nghĩ, có ý thức, nhất là khi họ đã từng được biết đến bức tâm thư của người Mộc Châu gửi du khách được đăng tải trên mạng năm ngoái, đề nghị khách đừng vì những tấm ảnh cá nhân mà phá nát thành quả lao động của người nông dân. Tết này ở Mộc Châu vẫn thấy những ruộng cải bị giẫm nát cả vạt, thân cải bầm giập dưới dấu giày, vẫn thấy những luống chè rụng tả tơi vì không chịu nổi những thân người trèo lên tạo dáng…
Bản Pa Khen, huyện Mộc Châu có 13 nóc nhà với hai họ đặc trưng của người H’Mông là họ Giàng và họ Tráng sinh sống. Thu nhập chủ yếu của dân bản chỉ phụ thuộc vào rừng mận tam hoa và vạt cải mà người Kinh vẫn gọi là cải mèo. Thế nên, nhìn những luống cải bị du khách phá nát, họ xót xa cũng là điều dễ hiểu. Ngay đến những đứa trẻ H’Mông, con em họ nghỉ Tết rỗi việc chạy chơi trong vườn cải, leo trèo cành mận cũng bị nhắc. Bởi hoa mận rụng, cây cải gẫy sẽ kéo theo ngay cái đói, cái nghèo ở đằng sau…