Chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ có mục tiêu và ý nghĩa quan trọng với rất nhiều hoạt động cả trên diễn đàn đa phương và tiếp xúc song phương, kết hợp gặp gỡ cộng đồng người Việt và các doanh nghiệp tại 2 nước.
Tham dự COP26 có đại diện của 197 Bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 120 nguyên thủ các nước; Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres; lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và định chế tài chính lớn trên thế giới; lãnh đạo nhiều tập đoàn đa quốc gia...Với nỗ lực “giờ chót và tốt nhất” để cứu Trái Đất trước những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, Việt Nam cùng hơn 20 nước đã tham gia “Sáng kiến Cam kết cắt giảm methane toàn cầu” do Mỹ và EU khởi xướng, theo đó mục tiêu tới năm 2030 sẽ giảm được 30% lượng khí thải methane so với mức của năm 2020.
Tại Vương quốc Anh (Scotland), Bộ trưởng Lê Thành Long đã tham gia các hoạt động chung của Đoàn công tác cũng như tham gia sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ cộng đồng, tiếp xúc doanh nghiệp.
Tại Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long tham dự các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ như hội đàm với Thủ tướng Pháp; chứng kiến Lễ ký các thỏa thuận hợp tác; hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện (Quốc hội).
Với Việt Nam, hiện Pháp là đối tác thương mại thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và nhà tài trợ ODA hàng đầu trong khối EU. Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp diễn ra trong bối cảnh hai nước tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giũa 2 nước đã có bề dày 28 năm tính từ thời điểm năm 1993 khi Hiệp định giữa 2 Chính phủ về hợp tác pháp luật và tư pháp và Hiệp định về thành lập Nhà Pháp luật Việt – Pháp được ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterand – nguyên thủ phương tây đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất (1975).
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ 2 nước, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng với Phó Chủ tịch Tham Chính viện Bruno Lassere đã ký Thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp (thay thế MOU đã ký vào năm 2014). Theo MOU, 2 Bên sẽ hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoàn thiện khung pháp luật về một số chủ đề chủ yếu sau: (i) phòng, chống dịch bệnh; (ii) phòng thủ dân sự; (iii) phân cấp, phân quyền trong quản lý hành chính; (iv) công tác pháp điển hóa và (v) cơ chế đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật. Hình thức hợp tác chủ yếu được thực hiện thông qua trao đổi chuyên gia, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm...
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đến thăm, làm việc với Hội đồng thừa phát lại và đấu giá viên Cộng hòa Pháp (Hội đồng), cùng ký với Chủ tịch Hội đồng Patrick Sannino Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2023 giữa Bộ Tư pháp và Hội đồng. Tại buổi làm việc, hai Bên thống nhất đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện MOU đã ký vào năm 2015 cũng như các Kế hoạch hợp tác đã ký vào năm 2017, 2018, cụ thể là Hội đồng đã cử nhiều chuyên gia hàng đầu sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về thể chế và thực tiễn hoạt động của nghề thừa phát lại; tiếp nhận một số giảng viên Học viện Tư pháp sang thực tập cũng như đón tiếp một số đoàn của Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Bổ trợ tư pháp) sang khảo sát về chủ đề thừa phát lại và bán đấu giá tài sản. Phía Pháp cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển nghề thừa phát lại và bán đấu giá tài sản, đồng thời khuyến nghị nghiên cứu thành lập hiệp hội trong lĩnh vực này, phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay.
Có thể nói hoạt động của Bộ trưởng Lê Thành Long đã đóng góp tích cực vào thành công của chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hai quốc gia hàng đầu của Châu Âu, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.