Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Lê Tiến Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, đại diện Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp…
Phát triển cả về chất và lượng
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tiến Châu cho biết, trong những năm qua, Trường đã cố gắng duy trì vị trí, vai trò là cơ sở đào tạo, nghiên cứu cơ bản về pháp luật hàng đầu ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và nhu cầu cán bộ pháp luật cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Quy mô đào tạo của Trường ở các cấp bậc và hệ đào tạo không ngừng phát triển.
Năm 2015, Trường đã xây dựng và thực hiện phương án xét tuyển qua kỳ thi THPT quốc gia với tổng số thí sinh trúng tuyển là hơn 2.700 sinh viên (SV) của 4 mã ngành. Cùng với 7 chuyên ngành đào tạo sau đại học (ĐH) thì tổng quy mô đào tạo hiện nay của Trường là 15.000 SV (hơn 9600 SV hệ ĐH chính quy, 4400 học viên hệ ĐH vừa làm vừa học, hơn 700 học viên cao học và 144 nghiên cứu sinh).
Công tác đảm bảo chất lượng đào tạo luôn được Trường thực hiện nghiêm túc bằng việc xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các đề án, chương trình, quy chế về đào tạo. Đặc biệt là Chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH ngành Luật; Chương trình đào tạo thạc sỹ theo định hướng ứng dụng; Chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên ĐH ngành Luật; Chương trình đào tạo cán bộ pháp chế cho các bộ, ngành, HĐND, UBND và doanh nghiệp nhà nước…
Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, mở rộng liên kết đào tạo với các đơn vị có uy tín, Trường đã triển khai nghiên cứu xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra cho các bậc đào tạo, xây dựng ngân hàng đề thi có chất lượng, hiệu quả, chính xác. Chính vì vậy, chất lượng SV ở tất cả các hệ khá ổn định và từng bước được nâng cao.
Bên cạnh đó, công tác chính trị tư tưởng và công tác quản lý SV được quan tâm chú trọng và thực hiện có kế hoạch. Ngoài việc được quán triệt, học tập đầy đủ các quy định, quy chế, cập nhật các thông tin thời sự, kinh tế, xã hội thì SV của Trường còn được tạo điều kiện tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội, hoạt động của Trường, của Bộ Tư pháp cũng như được cung cấp thông tin về việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động…
Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Trường đã bám sát đời sống chính trị, pháp lý của đất nước và nhu cầu đào tạo của Trường. Việc vận dụng kết quả nghiên cứu cứu phục vụ hoạt động của Trường, đặc biệt phục vụ hoạt động giảng dạy đã có chuyển biến tích cực, hoạt động nghiên cứu khoa học của SV được nâng cao về chất lượng. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được Trường triển khai sôi nổi, có hiệu quả…
Tiếp tục tận dụng lợi thế
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, nguyên Hiệu trưởng nhà trường cho rằng Trường ĐH Luật đã từng bước khắc phục được nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến việc nâng cao chất lượng giảng viên, đội ngũ cán bộ đoàn kết nhất trí; quy mô đào tạo được mở rộng; chương trình đào tạo xây dựng sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội; môi trường học tập thân thiện…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Khắc phục tình trạng này, đội ngũ giảng viên cần tập trung hơn cho công tác chuyên môn, chú trọng nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy và đặc biệt là cán bộ, giảng viên phải có tinh thần đổi mới. Ngoài ra, thời gian tới, nhà trường cần xác định việc triển khai xây dựng cơ sở 2 (tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) là một nhiệm vụ trọng tâm của mình…
Đồng tình với đánh giá trên, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, xã hội ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao nên thách thức đặt ra với Trường là rất lớn. Vì vậy, Trường ĐH Luật Hà Nội cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng định thương hiệu của mình.
Đề ra một số giải pháp chủ yếu, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu lãnh đạo nhà trường cần cụ thể hóa “Đề án xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), cụ thể hóa kế hoạch triển khai thực hiện đề án do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành để “áp” vào kế hoạch công tác hàng năm của Trường, từ đó có đánh giá kết quả thực hiện một cách rõ ràng.
Khẳng định Bộ Tư pháp sẽ tạo điều kiện tối đa về cơ chế, về phân cấp quản lý, về phối hợp với các đơn vị liên quan… để nhà trường có điều kiện phát triển, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị nhà trường cần phát huy hết khả năng, lợi thế của mình để tạo đột phá, cần có giải pháp để giải phóng được “chất xám” của đội ngũ giảng viên; nâng cao chất lượng đào tạo cho SV về ngoại ngữ và kỹ năng thực tế, tiến tới có thể đăng ký kiểm định chất lượng SV với một số tổ chức uy tín; nghiên cứu cơ chế áp dụng công nghệ thông tin và hệ thống thư viện điện tử trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ chế “người phát ngôn” để có ý kiến, quan điểm kịp thời về các vấn đề “nóng” của xã hội dưới tư cách một nhà khoa học…
Chúc mừng Hiệu trưởng Lê Tiến Châu mới được bổ nhiệm vào cương vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp và cho đây là niềm tự hào của tập thể, cán bộ, giảng viên, người lao động của Trường, Bộ trưởng Lê Thành Long mong rằng Thứ trưởng Lê Tiến Châu cũng như nhà trường sẽ có nhiều thành công mới trong thời gian tới./.