Một trong những giải pháp cho vấn nạn ATTP hiện nay, theo Bộ trưởng Tiến là câu chuyện về truyền thông. “Chúng tôi nghĩ rất quan trọng, nhưng truyền thông để người dân nhận thức, doanh nghiệp và nhà sản xuất phải vì sức khỏe. Một dân tộc khỏe là mỗi người dân phải khỏe, mỗi người dân yếu ớt là một dân tộc yếu ớt, đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhưng chúng ta cũng không nên quá hoang mang. Chúng tôi rất cầu thị để tiếp thu, vì xã hội luôn mâu thuẫn và phát triển, chắc chắn các văn bản lại lạc hậu, lại phải ban hành, lại bất cập lại phải ban hành. Chúng ta quyết tâm cập nhật những vấn đề này cũng sẽ tốt.” Bộ trưởng nói.
Cùng với giải pháp về truyền thông, Bộ trưởng cũng đưa những giải pháp rất quyết liệt ở một số lĩnh vực như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thực thi pháp luật…
Theo Bộ trưởng, quốc tế đánh giá hành lang các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam khá đầy đủ và đồng bộ, vấn đề cơ bản là thực thi và kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, sắp tới sẽ sửa ngay Nghị định 38 về thực hiện luật; thứ hai là Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính còn quá nhẹ và chưa nghiêm minh; thứ ba là điều chỉnh Luật an toàn thực phẩm, Luật hình sự…
‘Tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ mà an toàn thực phẩm các vụ ngộ độc và vi phạm ngày càng xảy ra?” Bộ trưởng đặt câu hỏi, và bà cũng trả lời luôn: Đương nhiên là một thực tiễn do sản xuất, do hội nhập, do ý thức người dân... và chúng ta cũng thanh tra, kiểm tra nhiều hơn mới phát hiện nhiều hơn.
“Chúng ta nói rất nhiều quản lý nhà nước đúng, trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp nhưng mảng nữa là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa tôn trọng sức khỏe của người dân và thực hiện chưa nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, cho nên chúng ta mới thấy có 2 luống rau, hai chuồng lợn, hai chuồng gà và tại sao có bơm các chất vào tôm, tại sao rượu methanol độc như thế nhưng pha vào để một loạt người chết", Bộ trưởng nói.
Thêm một thực trạng nhức nhối, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận: “Thịt bị hủy rồi vẫn dùng để sản xuất chà bông. Rồi ngộ độc bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp đó đã không đủ điều kiện sản xuất vì chưa có giấy phép nhưng vẫn cho tiếp tục cung cấp thức ăn và lại xảy ra ngộ độc tiếp. Chất cấm không được sử dụng thì cũng cho vào để tạo nạc. Như vậy, vấn đề là người sản xuất, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà quên đi lương tri. Ở diễn đàn này cũng phải kêu gọi lương tri của những người sản xuất.
Tại sao những vấn đề đó văn bản đều có hết mà vẫn xảy ra, đó là lợi nhuận mà cố tình làm trái pháp luật. Rất nhiều hiện tượng khác... Chúng ta thấy có những đợt kiểm tra ra mấy xe tải nước ngọt, nhưng chỉ pha bằng nước lã, đường hóa học và các phẩm màu. Hiện nay xảy ra tất cả các vấn đề như thuốc trừ sâu, hóa chất... đều làm trái với quy định của pháp luật.
Đấy là việc thực thi không đúng. Trong thực thi không đúng đó, quản lý nhà nước có một chiếc gậy rất tốt, đó là xử lý vi phạm và phạt thì hiện nay xử lý còn nhẹ. Quy định mức phạt trung bình là 200 ngàn. Có lẽ trong thời gian vừa qua, lịch sử chỉ có ngành y tế phạt nước ngọt URC gần 6 tỷ đồng, còn lại mức phạt của chúng ta quá thấp và không răn đe.”
Một giải pháp khá căn cơ cho việc giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn theo bà là cần sự cải tổ sâu sắc trong nền kinh tế, tái cấu trúc lại, đầu tư cho nông nghiệp, đổi mới trong nông nghiệp phát triển nông thôn.