Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra năm 2019 đã dẫn đến tổng thiệt hại 20% về số lượng, 9,3% về khối lượng lợn.
“Phải khẳng định đây là một thiệt hại rất lớn, không chỉ cho người chăn nuôi mà còn gây ra trong thị trường, giá cả thịt lợn lên trong một thời gian”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó đặc biệt là Bộ NN&PTNT kết hợp cùng với các địa phương tập trung tái đàn và đến tháng 10/2019, sau khi DTLCP ổn định, Bộ đã có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung cho tái đàn.
Thực tế, đây là gốc rễ vấn đề và kết quả tái đàn rất khả quan khi đến hết quý I/2020 đã tăng 6,3% về số đàn so với tháng 12/2019. Cụ thể đến cuối tháng 3/2020, số đầu lợn là 24 triệu con.
“Với đà này, đến quý III và đầu quý IV, chúng ta sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó chúng ta sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường”, ông Cường khẳng định.
Lý giải về việc giá thị lợn vừa qua vẫn cao, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân thứ nhất là do chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Bởi trước khi có dịch, mỗi quý cả nước cần tới 910.000 tấn, trong khi vừa qua mới đạt 820.000-830.000 tấn.
Nguyên nhân thứ hai khiến giá thịt cao, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chính là do giá thành sản xuất cao do phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu.
Nguyên nhân thứ ba, cũng chính là do tỷ lệ còn thiếu nên còn rất nhiều khâu trung gian. Mặc dù vừa qua 15 DN đồng hành từ ngày 1/4 đưa giá xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg, nhưng vì lượng lợn ở những DN này chưa đủ lớn nên chưa đủ sức chi phối thị trường.
Cùng với đó là còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành xuống thấp như chúng ta mong muốn.
“Tình hình này tới đây chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp; trong đó một giải pháp gốc rễ vấn đề là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các DN cùng với Hiệp hội và bà con nông dân phối hợp giữa các tỉnh để tăng đàn, đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cụ thể, trong câu chuyện giá thịt lợn, rất cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành (Bộ NN&PTNT, Công Thương), các địa phương để giảm bớt khâu trung gian giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu dùng. Cùng với đó, thời gian tới cần tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt trong chừng mực ngắn hạn nhất định để đảm bảo cũng ứng cho thị trường.
Ngoài ra, cần hướng dẫn tiêu dùng, người tiêu dùng cần san sẻ mua các loại thực phẩm khác (như trứng, cá, tôm…) để vừa lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, vừa không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn.
“Như vậy, chúng ta cần làm đồng bộ nhiều biện pháp, và nếu làm được như vậy, chúng ta tin tưởng sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho nhân dân với giá cả phù hợp với các đối tượng, kể cả người chăn nuôi, người làm dịch vụ, người tiêu dùng. Đấy là những nhóm giải pháp cần triển khai đồng bộ, quyết liệt”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.