Văn bản trái thẩm quyền
Văn bản số 2571/BTP-KTrVB của Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính pháp lý của Văn bản số 06/HĐND-VP ngày 6/1/2016 của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung 4 dự án vào danh mục dự án cần thu hồi đất trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Văn bản 06), Bộ Tư pháp cho biết:
Qua nghiên cứu Văn bản số 06 thấy rằng, đây là văn bản cá biệt, nội dung không chứa quy phạm pháp luật. Vì vậy, không áp dụng quy định về kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xem xét, xử lý văn bản này.
Xét về nội dung Văn bản 06, Bộ Tư pháp phân tích: Luật Đất đai năm 2013 quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 62 trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện (khoản 2 Điều 45 Luật Đất đai năm 2013).
Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Đồng thời, qua rà soát Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp không thấy có quy định nào giao cho Thường trực HĐND cấp tỉnh thông qua dự án cần thu hồi đất.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong đó không có bất cứ quy định nào giao cho Thường trực HĐND thẩm quyền thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất, cũng không có quy định nào giao Thường trực HĐND thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND.
Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu, Bộ Tư pháp thấy rằng, thời điểm Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản 06 (ngày 6/1/2016), Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, trong đó quy định điều khoản chuyển tiếp (khoản 1 Điều 142): “Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND, UBND tại các đơn vị hành chính tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11”.
Qua rà soát quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 cho thấy, không có quy định giao Thường trực HĐND quyết định thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất, cũng không có quy định giao Thường trực HĐND quyết định các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND. Điều này nghĩa là, theo quy định pháp luật tại thời điểm ban hành Văn bản 06 cũng như pháp luật hiện hành, việc thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất (đối với các dự án liệt kê tại Văn bản 06) thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.
“Vì thế, việc Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản 06 về việc thống nhất bổ sung các dự án cần thu hồi đất năm 2016 của TP Biên Hòa làm cơ sở để UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai việc thu hồi đất là không đúng thẩm quyền”, Bộ Tư pháp khẳng định.
Kiến nghị kiểm tra, khắc phục hậu quả
Về hậu quả từ việc ban hành văn bản không đúng thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tổ chức Chính phủ, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo: HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai thực hiện việc tự xem xét, xử lý đối với văn bản do mình ban hành và khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc kiểm tra với HĐND (trong đó có Thường trực HĐND), UBND tỉnh Đồng Nai trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp có sai phạm, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý cho phù hợp, đồng thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội theo quy định.
Trong thực tế, theo người dân bị thu hồi đất, Văn bản số 06 của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành trái pháp luật đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề, gây thiệt hại cho người dân trong nhiều năm qua. Chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Nai đã căn cứ vào văn bản trái pháp luật này hạn chế quyền của người sử dụng đất.
Từ năm 2015 đến nay, người dân muốn xây dựng, sửa chữa nhà cửa, lắp điện, nước đều bị ngăn cản, gây khó dễ; người dân không thể thực hiện được việc thế chấp quyền sử dụng đất vay vốn làm ăn, rất khó thực hiện được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Từ khi “dính” vào dự án của Công ty Thế Giới Nhà, đường xá, cơ sở hạ tầng của ấp Tân Cang bị xuống cấp trầm trọng, nắng thì bụi bẩn ô nhiễm, mưa thì lầy lội nhưng chính quyền địa phương không quan tâm đầu tư.
“Hậu quả nặng nề nhất mà hàng trăm hộ dân phải chịu đựng trong nhiều năm qua là luôn phải sống trong tâm lý âu lo, đối mặt với cảnh mất đất, mất nhà do giá đền bù rẻ mạt, không thể tạo lập được chỗ ở mới, lúc nào cũng đeo đẳng trong từng bữa ăn, giấc ngủ”, ông Phan Văn Lộc, đại diện cho một số người dân dính dự án, bức xúc.
PLVN đã có một số bài viết phản ánh cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai thu hồi đất của các hộ dân ấp Tân Cang, phường Phước Tân giao cho Công ty Thế Giới Nhà thực hiện Dự án Khu dân cư theo quy hoạch có dấu hiệu vi phạm pháp luật, biểu hiện “lạm quyền”, hợp thức hóa hồ sơ để thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh doanh bất động sản sai quy định.
Ngày 25/3/2019, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc thu hồi đất ở dự án Phước Tân. Ngày 7/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 675/TTg-QHĐP trả lời một số nội dung mà vị Đại biểu này đã chất vấn. Tại văn bản này Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét về thẩm quyền ban hành, tính pháp lý của Văn bản số 06 ngày 6/1/2016 của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai.