Bộ Tư pháp quan ngại về tình hình nợ đọng văn bản

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.
Báo cáo này cho biết, theo Quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ và sau khi được điều chỉnh thì trong 6 tháng đầu năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trình Chính phủ 24 dự án luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, tính đến hết  ngày 26/6/2014, mới có 13 dự án đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Chính phủ cho ý kiến; còn 11 dự án chưa được trình Chính phủ, trong đó có 01 dự án pháp lệnh được rút khỏi Chương trình năm 2014 và 02 dự án được lùi sang Chương trình năm 2015. 
Cũng theo thông tin từ Báo cáo này, căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 6 tháng đầu năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phối hợp chỉnh lý, trình thông qua 10 dự án luật và trình cho ý kiến 14 dự án luật, pháp lệnh. Tính đến ngày 26/6/2014, Quốc hội đã thông qua 10/10 dự án luật, cho ý kiến 13/14 dự án luật, pháp lệnh. Riêng Dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn từ tháng 7 sang tháng 9/2014. 
Bộ Tư pháp nhận định, năm 2014 được xác định là một trong những năm trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua. Nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong năm 2014 của Chính phủ là rất nặng. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã cố gắng trong việc trình các dự án luật, pháp lệnh; tham gia phối hợp tích cực, có trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh. 
Cơ bản các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã được Chính phủ trình đúng thời hạn. Có dự án được Quốc hội quyết định lùi sang Chương trình năm 2015, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn tích cực soạn thảo, chủ động đề nghị tại Phiên họp chuyên đề tháng 7 để Chính phủ sớm cho ý kiến như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2014, việc thực hiện Chương trình còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi bật là tình trạng một số dự án luật, pháp lệnh chưa trình Chính phủ đúng thời hạn theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là còn tình trạng xin lùi thời hạn trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số dự án luật, pháp lệnh như Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.  
Một số dự án luật còn chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ với các luật có liên quan như Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật đầu tư công,… Việc hoàn thiện hồ sơ một số dự án luật quan trọng để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 vẫn còn chậm như Luật đơn vị hành chính, Luật Thương mại (sửa đổi).
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ Tư pháp cho rằng do Hiến pháp 2013 được thông qua, có hiệu lực sớm, đòi hỏi phải ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng, trong khi đó thời gian, vật chất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn hạn chế.  
Một số trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn chưa thực sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho công tác soạn thảo; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình soạn thảo còn hạn chế; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, việc thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục soạn thảo dự án luật, pháp lệnh đôi khi còn hình thức. 

Đọc thêm