Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của công tác đầu tư xây dựng trong việc góp phần giúp các đơn vị trong nghành có được cơ sở vật chất, trụ sở làm việc khang trang, phần nào đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trong những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước, công tác Ngân sách – Tài chính nói chung và công tác đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp nói riêng đã từng bước đi vào nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực với những kết quả cụ thể được lãnh đạo Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành ghi nhận, biểu dương.
Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Tư pháp đã giao cho Cục Kế hoạch – Tài chính là đầu mối, thực hiện chức năng thống nhất quản lý toàn diện. Vì vậy, Cục đã luôn chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành trung ương, địa phương tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức, hoạt động quản lý đầu tư; tích cực chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; tập trung nguồn lực để tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn trong công tác này.
Trong khi đó, các quy định về đầu tư công, về xây dựng, về đấu thầu thường xuyên được sửa đổi, bổ sung; công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bắt đầu với những bước chuẩn bị đầu tiên, cùng với đó là sự định hướng của Lãnh đạo Bộ về việc giao nhiệm vụ Chủ đầu tư. Chính vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Hội nghị tập trung trao đổi, hướng dẫn về trình tự, thủ tục trong việc triển khai dự án từ những bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, trình duyệt quyết toán dự án hoàn thành và tất toán tài khoản tại Kho bạc nhà nước; một số các vướng mắc trong công tác đầu tư công, xây dựng và đấu thầu.
Để Hội nghị được tổ chức đạt chất lượng và hiệu quả cao, Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, giảng viên trình bày ngắn gọn, đủ ý, đi thẳng vào vấn đề; có các ví dụ cụ thể minh họa những thuận lợi, khó khăn cho từng bước triển khai dự án; có những nhận định, đánh giá, gợi mở những vấn đề trọng tâm, những vấn đề khó để Hội nghị trao đổi, thảo luận. Các đại biểu, học viên thực hiện tốt nội quy hội nghị; tập trung nghe các chuyên gia, giảng viên trình bày; nắm vững được trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ đầu tư trong triển khai thực hiện dự án; Trao đổi, thảo luận trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn; nêu rõ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đầu tư của Bộ trong thời gian tới.
Ngay sau đó, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính Trần Thị Kim Phú đã giới thiệu tổng quan về công tác đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp. Cụ thể, về nguồn vốn đầu tư, sau 4 năm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Tư pháp được bố trí 2.104 tỷ đồng. Về kết quả đầu tư, tính đến hết năm 2019 trong khối cơ quan THADS địa phương: đã có 63 đơn vị cấp Cục và 763 đơn vị cấp Chi cục được đầu tư xây dựng trụ sở, chỉ còn 10 đơn vị cấp Chi cục chưa được đầu tư xây dựng; có 270 đơn vị cấp Cục và Chi cục được đầu tư xây dựng kho vật chứng.
Đối với khối cơ sở đào tạo và các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tư pháp tiếp tục bố trí vốn đầu tư để hoàn thành nhiều dự dự án xây dựng cơ sở vật chất đã và đang triển khai đầu tư như: Dự án cơ sở Học viện Tư pháp tại TP.HCM, dự án cải tạo Trường ĐH Luật Hà Nội, hoàn thiện các hạng mục công trình được chấp thuận đầu tư của hệ thống 5 trường Trung cấp luật, khởi công xây dựng dự án Cơ sở 2 Trường ĐH Luật Hà Nội tại Bắc Ninh.
Tiếp đó, các học viên đã được nghe các Báo cáo viên giới thiệu về một số nội dung như: trình tự và thủ tục trong đầu tư xây dựng; lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; hợp đồng trong hoạt động xây dựng, quyết toán dự án hoàn thành; quy trình lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn gian đoạn 2021-2025 của Bộ Tư pháp…