Bỏ tục đốt vàng mã: Vẫn còn nhiều băn khoăn

(PLO) - Trước tình trạng người dân thực hiện tục đốt vàng mã rầm rộ, không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp, mới đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức có công văn đề nghị bỏ tục đốt vàng mã. Đề nghị này thu hút nhiều ý kiến tranh luận, rất nhiều quan điểm đồng tình ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn… 
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Tập tục dân gian có từ lâu đời

Theo nghiên cứu, cúng và đốt vàng mã là tập tục có nguồn gốc từ xa xưa của xã hội phong kiến Trung Quốc lan truyền sang nước ta. Đây chỉ là tập tục dân gian chứ không phải xuất phát từ lời răn dạy trong kinh sách của đạo giáo nào. Ở Việt Nam, một bộ phận người dân theo đạo Phật. Nhưng theo Hòa thượng Tố Liên (1903-1977), “Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên”.

Còn trong dân gian cũng lưu truyền câu nói “Đức Phật chứng tâm, không chứng lễ”, “lễ bạc, tâm thành”; nghĩa là không phải cứ có nhiều đồ lễ, trong đó có vàng mã, là được phù hộ nhiều. Người đốt vàng mã thể hiện tình cảm tri ân đối với những người đã khuất; đồng thời cũng thể hiện mong muốn Trời, Phật, gia tiên, cha mẹ... phù hộ cho gia đình, bản thân được may mắn, hanh thông trong cuộc sống. 

Thực tế ghi nhận, khi đời sống vật chất càng khá giả thì người ta có xu hướng đốt nhiều vàng mã, dẫn đến hệ lụy là tốn kém tiền bạc, ô nhiễm môi trường, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn do cháy nổ. Về “thiệt hại” vật chất, ước tính mỗi năm cả nước “tiêu thụ” tới hơn 40.000 tấn vàng mã, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng.

Còn theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, một năm về trước, vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, việc thắp hương, đốt vàng mã là nguyên nhân thứ 3 gây cháy, với 8 vụ. Với những hệ lụy như trên, đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc đến việc nên chăng bỏ tục đốt vàng mã? 

Giáo hội đề nghị bỏ tục đốt vàng mã

Ngày 12/2/2018, trong Công văn số 031/CV-HĐTS hướng dẫn tổ chức lễ hội năm 2018 do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký có đề nghị: “Chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo…”. Đề nghị trên được xem là lời khuyến nghị nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, còn nói rộng ra là toàn xã hội.

Liên quan đến đề nghị Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử bày tỏ sự đồng thuận. Tuy nhiên, để hạn chế việc đốt vàng mã trong các lễ hội dịp đầu năm nói riêng cũng như trong đời sống nói chung, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.

 “Đốt vàng mã gây lãng phí rất nhiều tiền của và tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, số tiền dùng để mua vàng mã mang đốt có thể dùng vào các hoạt động an sinh xã hội (giúp đỡ người nghèo, xây dựng trường học, bệnh viện…) sẽ hiệu quả hơn rất nhiều,” Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết.

Ở một diễn biến khác, ngày 21/2 vừa qua, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có Công văn số 91 gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/ thành phố về việc “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018”. Công văn nêu rõ: “Ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ mất an toàn trong di tích và lễ hội.” 

Đọc thêm