Trao đổi với PLVN ngày 20/11, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho biết đang có nhiều ý kiến khác nhau về vị trí xây dựng nhà ga ngầm C9 – Ga hồ Hoàn Kiếm thuộc Dự án Đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2. Có ý kiến đồng thuận vị trí như thiết kế hiện nay, có ý kiến không đồng thuận vì cho rằng trong quá trình xây dựng, vận hành, nhà ga này sẽ ảnh hưởng đến quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút…
Theo ông Bình, mới đây, đã có những buổi tọa đàm khoa học bàn luận về vị trí ga, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học thể hiện quan điểm đồng tình vị trí ga như cũ. Tuy nhiên theo người phát ngôn Bộ VHTT&DL, những buổi tọa đàm này là của đơn vị xã hội tổ chức, ý kiến tại đây là của các nhà khoa học, không phải của cơ quan quản lí nhà nước, nên chỉ mang tính chất tham khảo. “Hiện nay Bộ chưa có quan điểm chính thức, chúng tôi vẫn đang tiếp thu các ý kiến, đồng thời sẽ có nghiên cứu độc lập trước khi đưa ra văn bản chính thức về sự việc này”, ông Bình nói và từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến thời gian Bộ này sẽ có ý kiến chính thức về vị trí đặt ga C9.
Trước đó, trong cuộc Tọa đàm “Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 tại hồ Hoàn Kiếm tuyến ĐSĐT Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo”, diễn ra ngày 19/11, ông Noboru Nakagawa (Đại diện Tư vấn chung của Dự án) cho rằng, toàn bộ ga ngầm nằm dưới đất được áp dụng biện pháp thi công tiên tiến để đảm bảo an toàn các công trình lịch sử. Nhà thầu sẽ làm từ trên xuống và có hệ thống tường vây bao quanh ga C9.
Theo nghiên cứu, độ lún dưới 1/500 là công trình an toàn, trong khi đó, tư vấn phân tích độ lún với ga C9 là 1/800, tức ở mức an toàn. Ngoài ra, công nghệ đường sắt chống rung khi đoàn tàu chuyển động sẽ được áp dụng. Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, Tháp Bút sẽ không chịu ảnh hưởng độ rung của quá trình thi công cũng như khi đường ray tàu đi vào vận hành. Một số nhà khoa học cũng đồng ý quy hoạch nhà ga C9 như hiện nay là phù hợp, không tác động đến di tích.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại thấy vị trí đặt nhà ga C9 như thiết kế hiện nay sẽ lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm bờ hồ Hoàn Kiếm. Khi xây dựng xong, nhà ga này sẽ “mọc” giữa phố đi bộ của Hà Nội vào ban đêm, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch khu vực bờ hồ. Ngoài ra, việc thi công, vận hành dự án này có thể ảnh hưởng đến di tích, đặc biệt là Tháp Bút.
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội (đại diện chủ đầu tư Dự án) cho biết, tuyến ĐSĐT số 2 là tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển ĐSĐT của Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay Dự án đang chậm tiến độ, một phần do vị trí đặt ga C9 chưa được Bộ VHTT&DL đồng thuận. “Hà Nội đã trình Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về vấn đề này, đang đợi ý kiến bằng văn bản chính thức”, ông Minh nói và cho biết, việc đặt ga C9 như thiết kế hiện nay đã được nghiên cứu kỹ bởi đơn vị tư vấn Nhật Bản, đảm bảo các yếu tố an toàn, không ảnh hưởng, xâm phạm di tích. “Đa số các ý kiến đồng thuận, hiện nay chỉ còn một số nhà khoa học có ý kiến”, ông Minh cho biết.
Trong bối cảnh phương tiện cá nhân ở Hà Nội ngày càng tăng nhanh khiến tình trạng tắc đường trầm trọng, những dự án phát triển giao thông công cộng như ĐSĐT tuyến số 2 cần nhanh chóng được triển khai, đưa vào sử dụng. Do vậy, Bộ VHTT&DL cần quyết liệt, nhanh chóng hơn trong quyết định vị trí nhà ga C9./.