Tại buổi lễ, đại diện Bộ Y tế đã nêu tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM), sởi, sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp, gia tăng đột biến số ca, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước...
Những số liệu cho thấy, trong năm 2018 số mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017 và giai đoạn 2013 – 2017. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh dại, sốt rét, bạch hầu, ho gà... cũng ghi nhận số mắc giảm và có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đồng dân cư như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...
Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo, thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn bùng phát cục bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ gia tăng tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thông qua chiến dịch truyền thông này, ngành y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống bệnh dịch. Nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương là không chống dịch thành công./.