Bỗng dưng bị… “mất dạy”
Theo phản ánh của các thầy cô giáo, ngày 4/9, Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa bất ngờ gửi thông báo đến 51 giáo viên đang công tác tại huyện, trong đó có 36 giáo viên bị thôi HĐLĐ từ ngày 15/8 và 15 giáo viên còn lại sẽ bị thôi HĐLĐ từ ngày 31/1/2018.
Ngay sau đó, các giáo viên bị sa thải đã làm đơn khiếu nại về vụ việc nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
Cụ thể, nội dung đơn nêu rõ:
“Thứ nhất, việc làm của phòng sai về HĐLĐ. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã liên tục giảng dạy và được Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa 4 lần ký HĐLĐ nhưng tất cả đều là HĐLĐ có thời hạn (1 năm, 1 năm, 3 năm và 1 năm), có HĐLĐ được ký cách nhau hơn 30 ngày, điều này là sai so với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 22, khoản 2)”.
Thứ hai, theo quy định người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc, sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật lao động; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
“Như vậy việc cắt hợp đồng với cô Ngô Thị Thu đang mang thai, cô Trần Thị Hiền đang nuôi con nhỏ 7 tháng tuổi là trái pháp luật, đơn khiếu nại nêu.
Tuy nhiên, theo lý giải của lãnh đạo UBND và Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa, việc UBND huyện không ký tiếp HĐLĐ “là đúng theo chủ trương của Nhà nước về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
Bà Trương Thị Dân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa cho biết: “Do thực hiện theo chỉ thị của UBND tỉnh, UBND huyện về tinh giản biên chế nên chúng tôi buộc phải rà soát và cho thôi hợp đồng 51 giáo viên. Trên thực tế, trước đây, từ năm 2011 đến 2012 do nhu cầu nên chúng tôi tuyển lao động hợp đồng. Hiện tại giáo viên đã đủ, nên khi hết thời gian hợp đồng, chúng tôi buộc phải cắt. Vừa qua UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có văn bản thu hồi 100 biên chế còn tồn, kèm theo là cắt giảm tiền lương. Vì vậy, nếu không cắt hợp đồng giáo viên thì Phòng GD&ĐT huyện không có tiền để trả lương”.
Còn ông Nguyễn Tấn Chân - Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa thì cho hay: “Tôi rất chia sẻ với những khó khăn phía trước của các giáo viên không được ký hợp đồng lại. Tuy nhiên, không còn cách nào khác vì đây là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh và kết luận của Sở Nội vụ tỉnh”.
Theo ông Chân, từ năm 2016 đến 2018, UBND huyện Tây Hòa phải thực hiện cắt giảm 130 biên chế sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh việc giải quyết cắt giảm số biên chế trên, huyện phải cắt hợp đồng số giáo viên hợp đồng ngoài biên chế này. Lý do thừa giáo viên là do số lượng học sinh giảm, quy mô trường lớp giảm.
Sau nhiều lần khiếu nại nhưng không được giải quyết thấu tình đạt lý, 12 giáo viên đã khởi kiện bà Trương Thị Dân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa lên TAND huyện Tây Hòa.
Nội dung chính của đơn khởi kiện gồm: yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa hủy bỏ thông báo về việc thôi HĐLĐ; nhận các giáo viên vào giảng dạy và chuyển sang ký HĐLĐ không xác định thời hạn theo đúng quy định của luật lao động.
Ngoài ra, 12 nguyên đơn còn yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT Tây Hòa bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần 5 tháng lương cơ bản là 6.000.000 đồng/giáo viên, vì đã cho nghỉ việc trái pháp luật; yêu cầu chi trả đầy đủ các khoản phụ cấp đứng lớp từ năm 2011 đến nay theo quy định.
Về phần mình, bà trưởng phòng giáo dục cho biết đã nắm bắt được nội dung sự việc và chờ xử lý theo luật định.
“Mọi đơn thư của các anh chị giáo viên tôi đều nắm hết và trách nhiệm của chúng tôi sẽ xử lý những đơn thư này theo quy định. Còn thông tin chi tiết tôi sẽ cung cấp sau”, bà Dân cho biết.
|
Đơn khởi kiện bà Dân của một giáo viên |
UBND tỉnh yêu cầu làm rõ
Trò chuyện với chúng tôi, các thầy cô giáo không giấu được nỗi buồn và nỗi bức xúc.
Cô giáo Ngô Thị Thu - Trường THCS Nguyễn Thị Định cho biết: “Tôi rất bức xúc vì đã dạy được 6 năm rồi mà bị cắt ngang hợp đồng. Tôi lại đang mang thai đứa con thứ 2 nên không có ai tuyển dụng trong lúc này. Tôi và các anh, chị giáo viên trong diện này đều bị sốc nặng, mất phương hướng cuộc sống. Mong mỏi các cấp hữu trách có hướng giải quyết hợp lý để chúng tôi tiếp tục được làm việc”.
“Nghề nhà giáo không phải như các nghề khác, ví như kỹ sư, kế toán… chỗ này không nhận còn có chỗ khác, còn nghề này họ đã đuổi chúng tôi thì chỉ có nước đi làm thuê làm mướn. Chưa nói đến việc các em học sinh mà tôi đã từng đứng lớp, làng xóm láng giềng họ sẽ nghĩ gì khi bị đuổi khỏi ngành giáo dục. Đau lắm! Giá như ngày trước họ đừng tuyển dụng”, cô Thu buồn bã nói.
Tương tự, cô giáo Trần Thị Hiền - Trường THCS Lê Hoàn chia sẻ: “Tôi bắt đầu hợp đồng giảng dạy tại trường từ năm 2011. Năm nay, tôi đã 40 tuổi, quá tuổi để bắt đầu lại một công việc mới. Tôi lại vừa nghỉ thai sản, đứa con thứ hai chỉ vừa được 7 tháng tuổi. Nếu không đi dạy mà công việc khác cũng không xin được thì vợ chồng tôi không biết lấy tiền đâu để nuôi con”.
Ngày 29/9, đại diện UBND tỉnh Phú Yên cho biết, lãnh đạo tỉnh đã ký công văn giao Sở Nội vụ tỉnh này chủ trì, phối hợp thực hiện kiểm tra, giải trình khiếu nại về việc 51 giáo viên không được UBND huyện Tây Hòa tiếp tục ký HĐLĐ.
Công văn yêu cầu rà soát lại 2 trường hợp là giáo viên Ngô Thị Thu và Trần Thị Hiền đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi tại thời điểm Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa chấm dứt HĐLĐ.
Ngoài ra, phải rà soát các trường hợp khác mà theo quy định pháp luật không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ, để có hướng giải quyết cụ thể. Đồng thời, báo cáo rõ tới thời điểm hiện nay đã chấm dứt HĐLĐ bao nhiêu trường hợp trong số 51 giáo viên trên.
Công văn nêu rõ, căn cứ khoản 2, Điều 22 Bộ luật Lao động, Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên và các đơn vị liên quan có ý kiến và đề xuất cụ thể hướng xử lý đối với việc ký kết HĐLĐ có thời hạn không được vượt quá 2 lần. Trong lúc, Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa đã ký kết lại hợp đồng cho phần lớn 51 giáo viên trên 2 lần mà không chuyển qua HĐLĐ không xác định thời hạn.
Bên cạnh đó, yêu cầu rà soát lại việc giải quyết các chế độ cho những trường hợp chấm dứt HĐLĐ đã đúng và đảm bảo theo quy định pháp luật chưa, nếu chưa thì có ý kiến đề xuất cụ thể. UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện và báo cáo cụ thể trước ngày 10/10.
Ông Đặng Lê Tiến - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên, cho biết: “Đơn vị sẽ tiến hành họp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND huyện Tây Hòa… để tìm hướng giải quyết rốt ráo vụ việc trên”.
Huyện đã vi phạm quy định về giao kết hợp đồng
Theo luật sư Nguyễn Hương Quê - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, theo khoản 3, Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Cho nên, việc chấm dứt HĐLĐ của UBND huyện Tây Hòa với các giáo viên nữ đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng là sai quy định.
Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012, đơn vị sử dụng lao động trong mọi trường hợp được ký tối đa HĐLĐ có thời hạn không quá 2 lần đối với mỗi người lao động, nếu lần thứ 3 thì phải là hợp đồng không thời hạn. Trong khi đó, có một số giáo viên, ký hợp đồng đến lần thứ 4 mà vẫn thuộc loại hợp đồng có thời hạn, thì huyện đã vi phạm quy định về giao kết hợp đồng.