BOT và lợi ích toàn cục

(PLVN) - Nhà nước thiếu tiền thì phải huy động vốn đầu tư từ trong xã hội, lĩnh vực nào cũng thế thôi, không riêng hạ tầng giao thông, từ lâu vốn được coi là một trong ba “điểm nghẽn” lớn. Vì thế mới sinh ra hình thức đầu tư PPP gồm: BOT, BT, BO...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Và vì thế, mới có chuyện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Quốc hội, Kỳ họp thứ 8 cuối năm ngoái đã thảo luận sôi nổi. Tóm lại, hành lang pháp lý cao nhất là Luật chưa ban hành. Chúng ta đang “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Trong tình hình đó, nhiều “mảng tối” trong đầu tư BOT, BT đã được “phát lộ”. Kết quả kiểm toán 09 dự án BOT trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thấy rằng: Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT, phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công.

Đáng chú ý, KTNN phát hiện hàng loạt dự án xác định sai tăng tổng mức đầu tư; phát hiện có dự án sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án. Cũng theo cơ quan này, công tác nghiệm thu, thanh toán tại các dự án BOT còn sai sót. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2019 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện hàng trăm tỷ đồng, gồm: Sai khối lượng, sai đơn giá, sai khác.

Đối với các dự án BT, việc tổng mức đầu tư được xác định khá lớn so với thực tế cũng làm Nhà nước “thiệt đơn, thiệt kép”. Các địa phương vẫn giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án BT khi đã có văn bản tạm dừng của Bộ Tài chính; giao đất thanh toán cho dự án BT chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá... là những điều nhức nhối. KTNN cũng điểm mặt tình trạng xác định đơn giá đất chưa phù hợp, giao cho nhà đầu tư tại nhiều dự án còn tồn tại, rất bất cập. Thất thoát “tài nguyên đặc biệt” là công thổ quốc gia không hề nhỏ.

Thế nhưng, nỗi lo các dự án BOT tăng phí đồng loạt lại luôn thường trực. Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng phí BOT theo hợp đồng dự án vào thời điểm phù hợp bởi nếu giữ nguyên mức phí như hiện tại, Nhà nước cần bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký (!).

Đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, bởi doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh đang cần được hỗ trợ. Tăng phí BOT chính là tạo sức ép trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa và đi lại sẽ mâu thuẫn với khuyến khích sản xuất và tiêu dùng.

Câu chuyện không hề đơn giản, nếu không vì lợi ích toàn cục.

Đọc thêm