Viết về Người, sẽ còn viết mãi. Giá trị tư tưởng, đạo đức của Người sống mãi. Người mãi mãi là động lực, là sức lan tỏa, là khát khao không chỉ của đất nước mà của mọi thời đại. Đối với đất nước ta, đó là khát khao về đất nước giàu mạnh, văn hóa cao – văn hóa Hồ Chí Minh.
Trong bức thư gửi các em học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 05/9/1945, Bác Hồ đã nói về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Có thể coi đây là bản Tuyên ngôn về đất nước hùng cường sau bản Tuyên ngôn Độc lập.
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam, khởi đầu từ Đại hội lần thứ VI (năm 1986) chính là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đầu thế kỷ 20. Một trong những điểm đặc sắc trong tư tưởng của Người là vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế. Sinh thời, Bác rất quan tâm tới đội ngũ doanh nhân. Người hiểu hơn ai hết lời người xưa dạy “phi công bất phú, phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng” trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Không khó hiểu, sau Quốc khánh, ngày 13/10, Bác Hồ đã gửi thư động viên, cổ vũ giới doanh nhân trong nước. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò, sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân và trách nhiệm của Chính phủ nhân dân.
Trong một phát biểu sau này, Bác bảo: “Không phải Chính phủ xuất tiền ra để làm (kinh doanh), Chính phủ chỉ giúp khuyến khích và cổ động”. Bác cổ vũ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng cũng không quên căn dặn doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất ra hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người dân, phải kinh doanh có văn hoá, có trách nhiệm xã hội, hàng hoá dịch vụ phải bảo đảm sức cạnh tranh. Bác khuyên các doanh nhân phải lập phường, lập hội, đoàn kết để sản xuất kinh doanh.
Phàn nàn về bệnh hành chính quan liêu, gây cản trở sản xuất, Bác bảo “số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh ở một số cơ quan trong bộ máy nhà nước còn quá nhiều” và “ở một số cơ quan còn quá nhiều cửa ải!”. Người nói: “Thật ra, cái làm vướng chân họ nhất lại chính là tư tưởng bảo thủ, rụt rè của họ. Cho nên, muốn tiến nhanh, thì trước hết phải phát quang những dây ràng buộc ấy”.
Bác Hồ nói: “Phải yêu nước thương dân”. Cách thương dân thiết thực nhất theo quan điểm Hồ Chí Minh là lo được việc làm đàng hoàng, đầy đủ cho người dân. Người tạo được nhiều việc làm đàng hoàng cho người dân nhất là người yêu nước nhất. Khát vọng Hồ Chí Minh chính là khát vọng làm cho Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu”.