“Văn vở” trước tòa

(PLVN) - Ngày hôm qua (15/5), trong phần tự bào chữa tại phiên xử các đối tượng làm sai lệch kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại Hòa Bình, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (41 tuổi, giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân, TP Hoà Bình) đã biện bạch một câu khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm: “Biết chấm thi mà bị đi tù thì đã bỏ nghề”, và nghĩ đó là “hành vi có lợi, không gây tổn hại cho học sinh”.
Bị cáo Loan tại phiên tòa
Bị cáo Loan tại phiên tòa

Trước đó, trong phần luận tội, VKS đã nêu rõ hậu quả của vụ án do 15 đối tượng câu kết gây ra không chỉ vi phạm Quy chế thi, quy định của Nhà nước, ảnh hưởng uy tín ngành Giáo dục và hình ảnh người thầy, đặc biệt ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào nền giáo dục, tước cơ hội của những học sinh “học thật, thi thật”.

Nếu vụ án không được ngăn chặn thì “việc học giả, thi giả” sẽ gây hậu quả trong tương lai. Vụ án cũng là lời cảnh tỉnh nhắc nhở công chức khi có ý định lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội thì cần loại bỏ ngay. Các phụ huynh cần cho con em lựa chọn ngành nghề phù hợp hơn với năng lực để không xảy ra tình trạng chạy điểm, mua điểm.

Thế nhưng ngay một số bị cáo trong vụ án này, như Loan, dường như vẫn chưa cảnh tỉnh. Tổ trưởng chấm thi tự luận môn Ngữ văn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2000, liên tục là giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở lại biện bạch khi chấm lệch điểm thì nghĩ đó là “hành vi có lợi, không gây tổn hại” cho học sinh nên “cần mẫn làm một việc sai trái”, và “không ngờ sự năng nổ nhiệt tình của mình lại là tình tiết buộc tội nặng như thế”. Loan lý giải sai phạm do “nể nang đồng nghiệp, để tình cảm lấn át lý trí”. “Bị cáo chưa bao giờ nghĩ đi chấm thi mà bị đi tù, biết vậy sẽ bỏ nghề từ lâu”, vẫn lời Loan.

Trong một phiên tòa hình sự, điều quan trọng nhất là có tội hay không có tội. Đã nhận tội, nhưng lại biện bạch một cách lòng vòng, đổ lỗi, phi logic, nói theo ngôn ngữ dân gian là “văn vở”; sẽ rất khó lấy được sự thiện cảm của bất cứ ai. Chẳng bao giờ có chuyện “chấm thi mà bị đi tù” như lời Loan “tung hỏa mù”. Chấm thi hay làm bất cứ việc gì khác, cũng đều bị đi tù khi cố ý làm trái, cố ý sai phạm, cố ý vi phạm luật hình sự.

Bài học của Loan, cũng là điều ngành Giáo dục cần suy nghĩ. Đừng để não trạng “chấm lệch điểm là hành vi có lợi, không gây tổn hại cho học sinh” lây lan như một mầm bệnh trong các giáo viên. Kỳ thi THPT quốc gia không phải trường mẫu giáo, nơi thầy cô có thể khích lệ các bé bằng cách “du di” cấp “phiếu bé ngoan”.