Dù việc đền bù di dời mồ mả đã hoàn tất. Khu nghĩa địa ở Cồn Bù giờ đã được san lấp mặt bằng và chuẩn bị phân lô để bán. Thế nhưng, nỗi lòng của nhiều người dân có mộ của người thân đã khuất, từng “sinh sống” trên khu đất ngày ấy, vẫn chua chát mỗi khi nghĩ về số phận những vong hồn không được về “nhà” mới, phải vương vất đâu đó…
Thiếu tiền, đành để tổ tiên lang thang không “nhà”
Nằm trong dự án xây dựng khu định cư Hương Sơ của TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu nghĩa địa ở Cồn Bù nhiều đời nay là nơi yên nghỉ của những người đã khuất ở thôn An Hòa và các thôn lân cận thuộc phường Hương Sơ. Sau khi dự án xây dựng khu định cư Hương Sơ được phê duyệt, từ tháng 4/2013, việc di dời mồ mả đã được tiến hành để nhường mặt bằng cho chủ đầu tư dự án.
Theo thỏa thuận, mỗi lăng mộ, dự án sẽ đền bù 1,6 triệu đồng và ứng trước 10 % để gia đình tiến hành công tác di dời mộ. Những tưởng “nhà lá” sẽ hóa “nhà lầu” sau cuộc di dời và đền bù “hoành tráng”. Tuy nhiên, sự thật lại lắm trái ngang khiến người dân trong vùng ăn phải “quả đắng”.
Nhiều vong hồn yên nghỉ dưới lòng đất bao năm nay bỗng dưng một ngày “mất trắng nhà cửa”, thành cô hồn lang thang, bởi chủ dự án không công nhận đó là “nhà” của họ, không chịu chi tiền bồi thường để di dời. Con cháu những vong hồn này không có tiền, đành “buông tay”.
Lý do khiến chủ đầu tư “bác bỏ” những ngôi mộ ấy, bởi khi đào mồ, xương cốt dưới huyệt mộ không còn mà chỉ còn lại nắm đất đen sau bao năm nằm im dưới lòng đất.
Theo lý giải của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế, nếu đào lên, dưới mộ có xương cốt thì chủ đầu tư sẽ chi tiền di dời, nếu không có xương cốt thì chủ mộ không được chi tiền này. Người dân lại cho rằng, có mộ đã chôn hàng trăm năm, có mộ cải táng nhiều lần, đến sắt thép cũng mục nát, còn đâu xương cốt?
“Chẳng ai có thể đứng ở trần gian nhìn xuống âm phủ. Cũng không ai tài giỏi để nhìn xuống huyệt mộ nằm sâu trong lòng đất hàng trăm tuổi để biết được còn xương cốt hoặc quan tài hay không”, như lời một người dân đã chua chát than thở.
“Mộ của ông bà, tổ tiên mình, bao năm nay mỗi dịp kỵ chạp, con cháu vẫn dắt díu nhau ra “chạp cỏ”, hương khói, vậy mà giờ họ bảo đó không phải mộ thật. Ức lắm, nhưng cũng đành chịu, chứ biết kêu ai”, ông Mai Văn Thảo (72 tuổi, ngụ phường Hương Sơ) chia sẻ nỗi niềm.
Nhân gian vẫn cho rằng, hương linh của người chết thường đi cùng với những điều huyền bí, nhuốm đầy màu sắc tâm linh nên con người chẳng bao giờ dám phạm lỗi với vong hồn người đã khuất, vì vậy theo ông Thảo, chẳng ai nhẫn tâm dựa trên “xác người chết” để kiếm tiền.
Cũng như ông Thảo, ông Kim Đình Mão, ông Huỳnh Hào, ông Lê Cu, ông Nguyễn Văn Xin… và nhiều gia đình khác cũng mang chung một niềm ấm ức khi nhìn những ngôi mộ của tổ tiên và cả những mồ mả của cháu chắt bị dự án “bác bỏ” vì cho rằng đó là mộ giả.
Gia đình ông Thảo có cả thảy 41 ngôi mộ, thế nhưng trên 30 ngôi mộ bị cho là… giả. Gia đình ông Huỳnh Hào cũng có trên 20 ngôi mộ, gia đình ông Phạm Dọi có 37 ngôi mộ cũng bị liệt vào “danh sách đen” này.
Việc di dời mộ ở Cồn Bù do người dân tự tiến hành dưới sự giám sát của công an, chính quyền địa phương và người của chủ dự án. Những gia đình có nhiều nhân lực sẽ tự mình tiến hành bốc dời mộ, trong khi những gia đình neo người phải thuê dịch vụ chuyên bốc mộ với chi phí 500.000đ/mộ.
Ông Thảo cho biết, khi gia đình ông thuê dịch vụ đến bốc mộ, 6 ngôi mộ đầu tiên khi đào lên, xương cốt không còn mà chỉ còn lại những nắm đất đen, nên tổ công tác giám sát không công nhận đó là mộ thật, đồng nghĩa với việc họ sẽ không bồi thường.
Vì gia đình ông Thảo không có tiền, nên chỉ di dời 6 ngôi mộ của cha mẹ, chú bác còn nắm xương tàn; còn 35 ngôi mộ khác trong gia đình, ông đành “buông tay”, vì lực bất tòng tâm.
“Nhiều đêm nằm ngủ mà ứa nước mắt, khóc vì thấy mình bất hiếu với tổ tiên quá. Mộ của ông cha đó mà chẳng dời đi được. Xương thịt tổ tiên chỉ còn nắm đất đen, bị cày xới. Không biết vong hồn vương vất nơi đâu?”, ông Thảo chua chát.
Khi xe về san bằng khu nghĩa địa, nhiều người dân lâm vào hoàn cảnh như ông Thảo đã ra công trình, “xin” những công nhân đang cày xới đất đai, có thu được xương cốt thì cho gia đình xin lại để mang về chôn cất. Hoặc người của dự án mang an táng ở đâu thì cho gia đình biết, nhằm lui tới hương khói để người đã khuất khỏi tủi hờn nơi chín suối.
“Cứ nghĩ đến cảnh vong linh của tổ tiên giờ vất vưởng khắp nơi, thành cô hồn không nhà không cửa, lòng tui tan nát hết. Mai đây nhắm mắt xuôi tay, không biết làm sao mà nhìn mặt tổ tiên nơi chín suối”, giọng ông Thảo chùng xuống.
Xót xa cảnh tổ tiên bị mang ra “hạch sách” và “bạo hành”
Người địa phương cho biết, những ngôi mộ bị cho là giả hầu hết là những ngôi mộ đã được chôn cất lâu năm, mộ cải táng và những ngôi mộ của các thai nhi bị “sa sảy”. Những ngôi mộ này khi đào lên không còn xương cốt cũng là điều dễ hiểu.
Ông Huỳnh Hào (60 tuổi) cho biết, trong hơn 20 ngôi mộ của gia đình bị dự án “bác bỏ” đều rơi vào cả ba trường hợp nói trên, trong đó có cả ngôi mộ rất lớn và lâu năm, trên bia chỉ ghi toàn chữ Nho.
“Đời này qua đời khác, ông cha mình bảo với con cháu đó là mộ của tổ tiên thì mình biết vậy, rồi hương khói chứ có biết trên bia ghi gì. Khi bên dự án không công nhận đó là mộ thật, bảo tui đọc trên bia ghi chữ gì, tui cũng chịu”, ông kể lại. Cuối cùng, dù đó là mộ lâu đời thì dự án vẫn không công nhận.
Mỗi ngôi mộ sau khi được khai quật đều được những người giám sát “soi” rất kỹ. “Khi đào lên, họ bốc một nắm đất lẫn cả xương cốt rồi bóp nát trong lòng bàn tay, sau đó bảo không phải là xương thật. Nhìn người thân bị họ “dày xéo” kiểu đó, chua xót lắm”, ông Hào nói.
Trước những hành động phỉ báng đến vong linh người đã khuất, nhiều lần ông Hào đã yêu cầu bên dự án “muốn bồi thường bao nhiêu thì bồi thường, gia đình tôi cũng không cần”. Có lẽ “thuận theo ý nguyện” của gia đình, nên chủ dự án chỉ đền bù cho gia đình ông Hào vài ngôi mộ trong số gần 30 ngôi mộ của gia đình.
Ông Hào phải tự huy động tất cả con cháu ra nghĩa địa “dời nhà” cho tổ tiên sang khu định cư mới. “Những mộ đã quá lâu đời hay cải táng nhiều lần không còn xương cốt, chúng tôi bốc mấy nắm đất, là xương thịt của tổ tiên, đưa đi”, ông Hào tâm sự.
Còn ông Thảo đã không có tiền, họ hàng lại ít, đành bất lực nhìn “tổ tiên” bị “giày xéo” dưới bánh xe ủi, xe múc….
Ông Thảo cho biết, trước đây, hầu hết mồ mả đều được chôn cất ở Cồn Mồ Côi và Cồn Bè. Đến năm 1987, khi một phần khu vực này được giải tỏa để xây trạm điện và khu công nghiệp, nên các ngôi mộ ở đây được di dời về Cồn Bù.
“Hồi đó khó khăn, việc di dời cũng không đền bù gì. Nhà nước chỉ phát cho mỗi gia đình một xấp giấy đỏ để gói hài cốt rồi đem chôn cất”, ông Thảo cho hay.
Một trường hợp khác khá rắc rối là của gia đình ông Phạm Dọi (75 tuổi). Ông Dọi cũng khẳng định việc cải táng những ngôi mộ trước đây ở Cồn Mồ Côi và Cồn Bè hầu hết đều dùng giấy đỏ để an táng. Vì gia đình ông hồi đó có điều kiện hơn các gia đình khác nên đã mua các tiểu sành, om đất để cải táng.
Vậy mà khi gia đình di dời mồ mả ở Cồn Bù để trả mặt bằng cho dự án xây dựng khu định cư Hương Sơ, 37 ngôi mộ được cải táng khi đào lên dù vẫn còn om đất, tiểu sành nhưng lại bị người của dự án bác bỏ, cho rằng đó là mộ giả.
Nhiều người dân cho rằng đã bị “o ép” trong quá trình di dời mộ tổ tiên |
Ấm ức vì bị “xử ép”, ông yêu cầu bên dự án giám định ADN để làm rõ trắng đen hoặc gia đình ông sẽ kiện ra tòa. Đến lúc này, phía dự án “đành” phải thừa nhận 37 ngôi mộ của gia đình ông là… mộ thật.
Tranh cãi chưa hồi kết
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế cho biết, trong quá trình thực hiện dự án có liên quan đến mồ mả, bằng trực quan không thể xác định được mộ giả hay mộ thật, vì vậy phải qua di dời thực tế mới xác định được.
Trong quá trình thực hiện việc đền bù, khi phát hiện mộ bất thường sẽ lập biên bản và báo cáo lên ủy ban thành phố và tổ công tác để tiến hành điều tra và xử lý. Theo ông Tuấn, dấu hiệu bất thường thể hiện ở việc các gia đình kê khai quá nhiều mộ.
Ông cũng nói thêm, cũng không có cơ sở nào để nói rằng, những gia đình kê khai nhiều mộ là giả, vì vậy phải mời họ lên làm việc với cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, khi làm việc với các cơ quan chức năng, các hộ gia đình này đều bảo đó là mồ mả do cha ông bàn giao lại, đến đời họ thì họ quản lý và hương khói nên họ cũng không biết được đó chính xác có phải mộ hay không.
Để đảm bảo việc bồi thường đúng người, đúng đối tượng, đúng chính sách, vì vậy việc giám sát di dời các lăng mộ theo ông Tuấn là rất quan trọng. Quá trình thực hiện giám xác gồm chủ đầu tư dự án, ủy ban phường, trung tâm phát triển quỹ đất, công an phường, công an thành phố…
Cũng theo ông Tuấn, nhờ việc thực hiện giám sát chặt chẽ nên hiện trường lúc di dời so với kê khai của các hộ giảm gần 50 %.
“Rút kinh nghiệm” từ đợt di dời mộ vừa qua, sắp tới một phần mồ mả ở Cồn Mồ Côi của phường Hương Sơ cũng sẽ được di dời. Tuy nhiên, các cuộc họp giữa chính quyền các cấp với người dân vẫn chưa đưa lại kết quả.
Nhiều người cho rằng, lần này nếu tình trạng bị “o ép” vẫn diễn ra, họ sẽ giao mồ mả của cha ông để cơ quan các cấp cũng như chủ đầu tư tự tiến hành di dời, người dân chỉ đến để nhận hài cốt của người đã khuất để về an táng và hương khói.
Một số người khác bày tỏ quan điểm, việc di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư sinh sống là một chủ trương tốt. Tuy nhiên giá như việc thu hồi đất để phục vụ cho mục đích chính trị, an ninh quốc phòng hoặc xây dựng bệnh viện, trường học… thì sẽ khiến họ thỏa mãn hơn nhiều, thay vì thu hồi đất và chia lô để bán.