Từng bị bán sang Trung Quốc lấy chồng câm
Chị là Đỗ Thị Hằng (SN 1953, Mỹ Độ, Bắc Giang) khẳng định với PLVN : bản án hơn 5 năm chị phải gánh chịu là bản án oan nghiệt, khi mà người phụ nữ mà tòa kết tội là bị chị “bán” sang Trung Quốc bây giờ đã về nước và khẳng định với mọi người là không biết chị là ai, và chưa từng bị chị “bán” bao giờ. Nhưng đó chưa phải là bi kịch duy nhất chị phải gánh chịu. Cuộc đời chị là một câu chuyện dài, với đầy những ký ức đau thương.
Sinh ra trong 1 gia đình nhiều anh chị em, chị Hằng nổi trội hơn tất cả. Hết phổ thông, trong khi bạn bè trang lứa người đi bộ đội, người đã bỏ học, mưu sinh với làm thuê, làm ruộng thì chị thi đỗ Khoa Toán, ĐH Sư Phạm Hà Nội. Thời của chị, đỗ ĐH là chuyện "động trời" ở khắp làng ngoài xã. Chị trở thành niềm tự hào của cả gia đình và ba con lối xóm. Rồi chị khăn gói từ Bắc Giang lên Hà Nội học với ước mơ ra trường sẽ trở thành cô giáo.
Chị Hằng kể về cuộc đời nghiệt ngã của mình |
Chị ra trường, đi làm. Đây cũng là lúc cuộc đời lần đầu tiên thử thách chị. Chị đổ bệnh, thần kinh yếu đi và sức khỏe đã không đủ giúp chị đứng trên bục giảng nữa. Cay đắng trở về, lấy chồng rồi buôn bán nhỏ nhặt kiếm kế sinh nhai. 5 đứa con lần lượt ra đời, lớn dần lên đè gánh nặng kinh tế lên đôi vai vợ chồng chị.
Rồi chị được nhận gánh hàng thuê cho 1 ông chủ trong vùng. Những tưởng thu nhập sẽ phần nào ổn định hơn, ai ngờ số phận lại 1 lần nữa đùa cợt với chị. Vì cả tin, chị bị chính ông chủ lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ 1 người bản địa bị câm. Chị phải cắn răng chịu đựng ròng rã 2 năm trời, cho đến khi Công an Trung Quốc đến kiểm tra nhân khẩu, chị chạy ngay đến ôm chầm lấy chân họ than khóc chị mới được cứu thoát khỏi cảnh bị ép làm vợ. Sau đó chị được đưa về Việt Nam.
Về nhà, thời gian đầu, chồng chị thường xuyên dằn vặt vợ về việc chị đã từng mang thân làm vợ người ta. Chán nản, chị lặng lẽ bỏ nhà xuống Hà Nội, vào xin "tá túc" ở chùa Quán Sứ. Được 1 thời gian, chồng chị tìm ra được, tìm đến khuyên can chị về nhưng chị nhất định không chịu. Cho đến khi chồng chị dọa sẽ cùng các con tự tử nếu chị cứ ở lại. Thương con, chị khăn gói rời cửa chùa. Trước khi chị ra về, Sư Trụ trì có nói với chị: “Số con có căn tu, phải ở chùa. Nếu rời chùa con sẽ gánh lấy oan trái”.
Dùng dằng rồi chị vẫn quyết định trở về. Trên chuyến tàu muộn, chị về đến nhà vào lúc 2h sáng, khi cả nhà vẫn đang còn say ngủ. Chỉ khoảng 1 tiếng sau, công an ập vào nhà bắt chị. Đến lúc này chị mới choáng váng khi biết trong thời gian ở chùa, chị bị công an tỉnh truy nã về tội “mua bán phụ nữ”.
Phiên tòa đẫm nước mắt và những đứa con “không mẹ”
Theo như chị kể, trong thời gian bị tạm giam để điều tra, điều tra viên đã đưa chị 3 tờ giấy trắng bảo chị ký và hứa sau đó sẽ thả chị. Nhẹ dạ cả tin, chị ký vào mà không chút nghi ngờ. Thế rồi mòn mỏi chờ đợi, hơn 3 tháng sau, chị mới biết mình phải ra tòa. Đến lúc đó, chị đinh ninh đây chỉ là phiên tòa mang tính “hình thức” rồi chị sẽ được tự do sau khi tòa kết thúc.
Mang tâm trạng thoải mái đến tòa, khi bước vào phòng xử án, mắt chị nhòe, tai chị ù đi khi trước mắt chị, 5 đứa con thơ đều mặc áo tang, tay cầm ảnh bố thét lên: “Mẹ ơi, bố tự tử chết rồi”. Chị ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy, chị vẫn ở tòa. Sau đó phải nhờ người dìu, chị mới đến ngồi được trước vành móng ngựa. Tòa yêu cầu hoãn tòa cho đến khi chị đủ sức khỏe sẽ tiếp tục xử. Lúc đó, trong tâm trí chị chỉ mong phiên tòa nhanh chóng kết thúc để chị được về với con. Tại tòa, chị và các con khóc lóc, van nài tòa tiếp tục xử án.
Sau 15 năm, người phụ nữ mà cơ quan chức năng buộc tội bị chị Hằng "bán" đã xuất hiện và minh oan cho chị |
Phiên tòa được tiếp tục. Khi cáo trạng được đọc, chị có cảm giác như ai đó đang bóp chặt lấy trái tim mình. Những gì được đọc ra hoàn toàn trái ngược với những gì chị đã khai trước đó. Người ta bảo chị buôn bán phụ nữ để lấy 800 ngàn. Rồi bảo chị đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đến lúc này, chị mới biết những tờ giấy trắng mà chị đã ký những mong sớm được về nhà đã làm hại chị.
Chị không còn hơi sức để kêu oan nữa. Cổ họng chị nghẹn lại, nước mắt chảy dài trên gò má, chảy thẳng vào tim. Chị chỉ còn biết ngoài đầu lại nhìn những đứa con mặt tối lại, nước mắt đầm đìa. Rồi đây, khi không còn cha, không có mẹ nữa chúng sẽ ra sao. Chị lại nhớ lại từng lời nhà sư ở chùa Quán Sứ đã từng nói với chị: “Số con có căn tu, phải ở chùa. Nếu rời chùa con sẽ gánh lấy oan trái”. Chị lặng lẽ cúi đầu chấp nhận số phận.
Trong khoảnh khắc ấy, chị bình tĩnh đến lạ. Chị nghĩ, đời chị rồi cũng sẽ gặp oan trái, muốn tránh cũng không được. Thôi đành gánh lấy tất cả, coi như gánh “kiếp nạn” cho con cái sau này. Và lúc đó, trước vành móng ngựa, chị làm thơ.
Phiên tòa dần đi đến hồi kết. Khi Chủ tọa cho chị nói lời cuối cùng, chị bảo: “Tôi chẳng muốn nói gì nữa. Tôi muốn đọc thơ có được không?”. Rồi không đợi Chủ tọa trả lời, chị đọc to bài thơ với những dòng thơ vô cùng cảm động: Vừa mất cả chồng hiền/ Vừa phải chịu vu khống/ Mẹ chẳng hề kêu ca/ Miễn cứu được cả nhà/ Để giải tan nghiệp chướng… Đau mà chẳng dám cựa/ Ai thấu hiểu nỗi này/Hôm nay con có thấy/ Phần đời mẹ đắng cay…
Cả phiên tòa im bặt, ai cũng rơm rớm nước mắt. Bước ra khỏi cánh cửa tòa, chị ngoái lại nhìn những đứa con nhỏ dại mà lòng quặn thắt. Những tưởng, mọi nghiệp chướng chị sẽ gánh hết cho con, nhưng bi kịch vừa mới chỉ thực sự bắt đầu…
Ngày 24/3/1998, chị Đỗ Thị Hằng bị TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên xét xử về tội "mua bán phụ nữ". Theo bản án, chị Hằng đã lừa “bán” chị Dương Thị Liễu (SN 1964, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và bị kết án 5 năm tù về tội “Mua bán phụ nữ”.
Điều đặc biệt là trong phiên tòa, bị hại Dương Thị Liễu không có mặt. Cơ quan điều tra cũng không có được lời khai của chị Liễu vì trong thời gian đó, chị Liễu vẫn đang ở Trung Quốc. Chị Hằng phải chấp hành bản án và được tự do vào năm 2002.
Mãi đến năm 2012, chị Hằng vô tình gặp được người được cho là “nạn nhân” của mình năm nào. Đến lúc này, chị Liễu mới chứng nhận là chưa từng quen chị Hằng trước đây, và cũng không hề bị chị Hằng “bán” sang Trung Quốc. Hôm qua, 26/112013, TAND Tối cao đã triệu tập chị Hằng yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ để điều tra.
Điều đặc biệt là trong phiên tòa, bị hại Dương Thị Liễu không có mặt. Cơ quan điều tra cũng không có được lời khai của chị Liễu vì trong thời gian đó, chị Liễu vẫn đang ở Trung Quốc. Chị Hằng phải chấp hành bản án và được tự do vào năm 2002.
Mãi đến năm 2012, chị Hằng vô tình gặp được người được cho là “nạn nhân” của mình năm nào. Đến lúc này, chị Liễu mới chứng nhận là chưa từng quen chị Hằng trước đây, và cũng không hề bị chị Hằng “bán” sang Trung Quốc. Hôm qua, 26/112013, TAND Tối cao đã triệu tập chị Hằng yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ để điều tra.