Lạ kỳ xóm “ma trận”...

Trong một lần đi công tác về xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội, tôi lạc vào một xóm nhỏ bên vệ đường. Trời nhá nhem tối, chúng tôi đi mãi vẫn không thể nào tìm thấy lối ra. Càng đi càng bị lạc sâu hơn. Tôi phải gõ cửa nhà một người dân nhờ dẫn đường…

Trong một lần đi công tác về xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội, tôi lạc vào một xóm nhỏ bên vệ đường. Trời nhá nhem tối, chúng tôi đi mãi vẫn không thể nào tìm thấy lối ra. Càng đi càng bị lạc sâu hơn. Tôi phải gõ cửa nhà một người dân nhờ dẫn đường…

Lạ lùng xóm "Bảy Nghẹo"

Ra được tới đường cái chính cũng chính là lúc tôi thở phào nhẹ nhõm. Hơn 2 tiếng đồng hồ loanh quanh cố gắng tìm lối ra khiến tôi có nhiều cảm xúc khó tả, lo sợ, tò mò, rồi cả hụt hẫng...  Và chính những cảm giác ấy đã thôi thúc tôi quay lại đây lần nữa.

Cũng không quá khó để tìm ra xóm nhỏ lần ấy. Xóm có tên là xóm Phượng, nhưng ở đây thường gọi là xóm Bảy Nghẹo.

Đường vào xóm nhỏ và hẹp, nhà cửa hai bên đường xây bằng đá ong, giống nhau như đúc từ một khuôn. Tất cả đều rất tĩnh mịch và cổ kính.  Xóm có rất nhiều ngách nhỏ, tỏa ra các hướng, khiến người dân đi vào đây khó mà tìm thấy đường ra. Có thể đây chính là lý do khiến tôi bị lạc.

Cổng nhà của từng ngôi nhà đều được xây dựng theo một kiến trúc kiểu mái vòm hoặc vuông, có mái che, hai bên tường có bờ, cánh, rất vững chãi và uy nghi. Hầu hết những cổng nhà này đều được xây dựng theo kiến trúc thời nhà Nguyễn, chính bởi vậy ngay cả hướng cổng, hay thế đất, phong thủy xây cổng cũng được quy định rất ngặt nghèo, nhằm đảm bảo một cuộc sống ấm no, phồn thịnh.

Vào trong xóm, đi được khoảng ba bốn ngách nhỏ tôi có quan sát thấy một vài mũi tên được vẽ bằng vôi, chắc vẽ lâu rồi nên cũng khá mờ. Thấy tôi, một người dân trong xóm vồn vã hỏi: “ Sao thế, em bị lạc à, giờ muốn đi vào hay đi ra?”.

Thấy tôi bảo muốn vào sâu trong xóm chị tươi cười: “Thế cứ theo mấy cái mũi tên mờ mờ mà đi thẳng sâu vào, khéo mà bị lạc”. Điều ấy chứng tỏ rằng không chỉ tôi mà có lẽ cũng đã có rất nhiều người bị lạc ở đây… Sự lạ về mê cung ở đây càng thôi thúc tôi tìm hiểu thêm về xóm nhỏ này.

Ma trận từ ý tưởng giữ an ninh làng

Cụ Nguyễn Hữu Kha, năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, là bậc trí thức trong làng. Người dân nói muốn biết gì về xóm tới hỏi cụ là rõ hết. Nhà cụ nằm cuối xóm, được bao bọc bởi lũy tre rậm rịt.

Mũi tên chỉ đường dành cho những ai không may bị lạc
Mũi tên chỉ đường dành cho những ai không may bị lạc

Lúc tôi đến cụ đang vót tre làm mái hiên. Cụ cười tươi kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xóm này, cũng từng chứng kiến cảnh nhiều người bị lạc nhờ đưa ra. Nhiều người bị lạc quá nên người dân trong xóm phải vẽ mũi tên chỉ đường cho người ta. Tuy nhiên, có mũi tên rồi nhưng ai không biết cách đi vẫn bị lạc như thường. Ngày xưa, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng có nhiều Tây bị lạc và bị bắt sống trong xóm lắm. Bây giờ đường sá đổi mới rồi, dễ đi hơn trước ấy thế mà vẫn có người bị lạc”.

Cụ cũng cho biết thêm: “Làng Hương Ngải được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, với tên gọi ban đầu là Chạ Ngái. Tới khoảng thế kỷ XI,  Chạ Ngái mới được đổi tên thành Hương Ngải. Ở đây có đặc điểm kiến trúc cũng khá đặc biệt, giữa làng có một con đường cái chạy dọc, hai bên đường là các ngõ xóm giống như chân rết. Xóm Bảy Nghẹo là một trong số những chân rết ấy.

Xóm được hình thành khá lâu rồi, tôi cũng không nhớ chính xác thời gian chỉ biết là từ thời nhà Mạc ước tính cách đây khoảng 500 năm với diện tích khoảng hơn 2.000 ha.

Xóm có tên là xóm Phượng, do đặc điểm cấu trúc giống hình con Phượng nhưng sau này theo thời gian người ta thấy xóm nhiều nghẹo quá, nên gọi cái tên dân dã là xóm Bảy Nghẹo, giờ người ta quen với cái tên ấy rồi”.

Việc lên ý tưởng xây dựng xóm như vậy đã có từ rất lâu, ban đầu với mục đích một phần là chống trộm cắp, hay đánh đuổi giặc, một phần cũng là do thời bấy giờ người dân ở đây không thích ở mặt đường.

Thiết kế các lối đi ở đây mang tính an ninh và phòng vệ kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, muốn vào đã khó, muốn ra lại càng khó hơn.

Anh Nguyễn Hữu Vinh, 43 tuổi, sinh ra và lớn lên trong xóm, từng nghiên cứu khá sâu về những công trình văn hóa ở làng. Anh Vinh cho biết: “Xóm Bảy Nghẹo có thể nói là nơi có kiến trúc đặc biệt. Bởi nó được thiết kế theo một ma trận, tức là cấu trúc luôn có cửa đứng tỏa ra ba ngách. Điều đặc biệt của cấu trúc này là lối thoát lại là ngách thắt nút, cái ngách rộng nhất lại là ngõ cụt. Nhà nọ được xây dựng có đường thông sang nhà kia, xung quanh lại được bao bọc bởi hào lũy.

Chính vì thế mà ai vào đây, nhất là khách ở xa tới đây kiểu gì cũng bị lạc, khi vào trong xóm họ dễ dàng tự tạo cho mình những ảo giác ở những nơi nghiễm tưởng như đường thoát nhưng thực tế lại không phải, đây chính là cái hay trong lối thiết kế của các cụ thời xưa…”.

v
Một ngách của xóm Bảy Nghẹo.

Nét kiến trúc độc đáo của xóm nhỏ này thật đặc biệt nhưng không phải ai cũng biết tới. Hơn nữa, cũng có rất ít tài liệu ghi chép hay phân tích về xóm này. Bởi vậy, việc tìm hiểu về nó khiến người viết bài này gặp không ít khó khăn.

Anh Hữu cho biết thêm : “Bây giờ ở xóm cũng ít người biết tới sự đặc biệt của xóm này lắm, những người hiểu rõ thì đều đã có tuổi, phần nhiều hiện ở Hà Nội. Còn ở quê người ta mải lo kiếm sống ít khi quan tâm tới kiến trúc cổ. Ngày lễ tết, các cụ cũng có nhắc con cháu giữ gìn kiến trúc này nhưng cũng chỉ được khoảng 1/3 chứ không thể hết được…”.

Ngày nay, do quá trình xây dựng nông thôn mới, một số nhà dân trong xóm đã được kiến thiết lại cho khang trang và đẹp hơn. Người dân vào tới đây cũng ít bị lạc như trước.

Nhưng dù gì, nơi đây cũng mang đậm kiến trúc làng xã khá sáng tạo và độc đáo, nhất là trên bình diện giao thông. Nét cổ hiếm hoi ấy cần được quan tâm giữ gìn và phát triển. Rất tiếc nếu cơn lốc đô thị hóa tràn đến xóm “Bảy Nghẹo” dẫn đến không còn những kẻ lạc đường trong mê cung kỳ thú này…

Phùng Hồng

Đọc thêm