Dư luận bất bình không chỉ bởi những chiêu thức dụ dỗ, lôi kéo ngày càng tinh vi; mà còn bởi dù nỗ lực ngăn chặn loại hình này đã từ nhiều năm nay nhưng vẫn để nhiều lỗ hổng cho những tay lừa đảo “lọt lưới”.
Biến tướng các loại tour 0 đồng, tour giá rẻ
Đầu tháng 6 năm 2019, Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh vừa gửi 2 văn bản đến các tổ chức đoàn thể trên toàn tỉnh để cảnh báo người dân trước tình trạng “tour du lịch 0 đồng” đang nở rộ tại địa phương. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Tây Ninh, từ đầu tháng 5/2019, loại hình “tour du lịch 0 đồng” hay còn gọi là tour du lịch miễn phí dành cho người trung niên, cao tuổi và cựu chiến binh ồ ạt xuất hiện khắp nơi tại Tây Ninh. Hàng trăm người dân “sập bẫy”, trong đó, nhiều người dân ở các xã vùng sâu như Thành Long, Hòa Hội và Hòa Thạnh (H.Châu Thành), H.Bến Cầu, Trảng Bàng và cả TP.Tây Ninh.
Một vấn đề nóng được đặt ra cho ngành du lịch thời gian gần đây là sự đổ bộ thiếu kiểm soát của các tour giá rẻ và những biến tướng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh du lịch Việt Nam. Tour giá rẻ thường diễn ra với các hình thức như: Gom khách thành đoàn lớn, dưới hình thức “bán buôn” để được hưởng chính sách ưu đãi về giá và hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ; thuê nguyên chuyến để vận chuyển khách du lịch; tour cho khách đi ngắn ngày, cắt giảm giá ăn, ngủ... nhưng bù lại bằng chi phí mua sắm.
Cách làm này thường được các công ty lữ hành Trung Quốc, Hàn Quốc... làm nhiều nhất. Cụ thể, từ năm 2016, Việt Nam đón gần 1,8 triệu khách tham quan Trung Quốc theo hình thức tour giá rẻ hoặc tour 0 đồng khiến chính quyền địa phương, các nhà quản lý “loay hoay” không kịp. Dù một mặt loại hình này giúp tăng trưởng cho ngành du lịch nước nhà, mặt trái là phá giá, các công ty bán hàng trà trộn vào để bán sản phẩm kém chất lượng, gây mất hình ảnh du lịch Việt Nam, làm thất thu thuế Nhà nước.
Một trong những biến tướng của “tour giá rẻ” ảnh hưởng đến hoạt động du lịch là “tour 0 đồng”. Các công ty này vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại khách cho công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên (HDV) của Việt Nam với giá rẻ hoặc bằng 0. Các công ty du lịch Việt Nam hoặc HDV lấy chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết với khách.
Một biến tướng khác của tour 0 đồng đang “nở rộ” ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây được biết đến là tour du lịch miễn phí dành cho người trung tuổi, cựu chiến binh. Hình thức này thực chất là biến tướng của tour giá rẻ và hình thức công ty bán hàng đến địa phương xin tổ chức hội thảo rồi lừa bán sản phẩm.
Núp bóng dưới hình thức tổ chức các chuyến tham quan, khám phá di tích lịch sử, nhưng thực chất các doanh nghiệp này trà trộn kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá thành cao cho người tham gia. Mô hình lừa đảo này đang lan tỏa với tốc độ rất nhanh, từ các thành phố lớn đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến hàng nghìn người dân phải “ngậm đắng, nuốt cay” rút hầu bao chi trả số tiền lớn cho các sản phẩm kém chất lượng. Đối tượng của các doanh nghiệp, tổ chức này hướng đến là những người trung tuổi, cựu chiến binh với mục đích để tri ân nên dễ lấy sự tin tưởng.
Một kịch bản điển hình của loại hình tour 0 đồng cho người trung tuổi, cựu chiến binh thường xảy ra như sau. Đầu tiên, công ty du lịch tìm một lý do thuyết phục, dùng giá rẻ để lôi kéo khách hàng, ví như “chuyến đi nhằm tri ân người có công với cách mạng, quảng bá giới thiệu và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Khách tham quan được tài trợ tất cả các chi phí đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ”. Trên thực tế, sau khi đi tham quan các địa điểm trong lịch trình, du khách được đưa đến một địa điểm nghỉ ngơi mà tại đây, các các nhân viên giới thiệu, chào bán các sản phẩm đồ gia dụng như: xong nồi, chảo, đèn pin, dao, thớt, quần áo, thuốc bổ... với giá cả đắt gấp nhiều lần bình thường.
Ngoài những lời quảng cáo có cánh về công dụng của sản phẩm, các nhân viên còn có tổ chức “bốc thăm trúng thưởng”, “mua một tặng 2”, “du lịch tri ân”… để tăng tính thuyết phục, nhân viên còn thực hành sử dụng luôn sản phẩm rồi đưa ra các chào mời hoặc chính sách vay nợ ưu đãi nếu ai không mang tiền. Song, sau khi mua hàng, nếu người mua muốn trả lại sản phẩm thì nhân viên công ty sẽ tìm mọi cách để từ chối với lý do như “hàng đã mua, không trả lại”.
Xóa bỏ tour 0 đồng, nên hay không?
Về bản chất, tour giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường. Xét về mặt tích cực thì khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển... nên sẽ tạo doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Đối với các hãng hàng không thì tour giá rẻ là đòn bẩy để thu hút khách, duy trì sự ổn định của đường bay. Loại hình này cũng làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm và giúp các nhà đầu tư có nguồn thu ổn định, đem lại doanh thu cho điểm đến.
Mặt tiêu cực của tour giá rẻ là khi các doanh nghiệp lợi dụng hình thức du lịch này để bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... sẽ tạo ấn tượng không tốt. Bất cứ quốc gia nào sử dụng biện pháp du lịch giá rẻ để thu hút khách du lịch đều có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, chứ không riêng Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần kiểm soát loại hình “tour giá rẻ”, nhưng không nên xóa bỏ hẳn loại hình du lịch này. Thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, tình trạng tour giá rẻ đã xuất hiện ở nhiều quốc gia như tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore. Rất nhanh chóng, các tour dạng này đã bị siết chặt.
Cụ thể là từ năm 2016, Thái Lan đã “mạnh tay” với dạng tour này nên chỉ trong một thời gian ngắn, chi phí tour đã tăng lên 9.000 tệ (tương đương 28,8 triệu đồng/khách cho tour 5 đến 6 ngày), dẫn đến lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan sụt giảm mạnh. Sau đó, Thái Lan đã dần điều chỉnh, nới lỏng thị trường. Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong cũng đã từng siết chặt tour giá rẻ, tour 0 đồng bằng cách thường xuyên đưa tin về việc HDV ép buộc du khách mua sắm... Với các nước Âu - Mỹ chấp nhận sự tồn tại tour giá rẻ nhưng luôn có quy định khách du lịch phải được biết rõ dịch vụ trong tour, vì thế tỷ lệ khiếu kiện ít, khách du lịch hiểu và đồng thuận...
Ở Việt Nam, những bất cập của tour 0 đồng cũng khá nhiều, nhiều nhất là việc ép du khách sử dụng các dịch vụ giá cao, ép mua sắm tại các điểm đã được chỉ định trước với chất lượng, nguồn gốc sản phẩm khó kiểm soát... Trước thực trạng trên, ngành Du lịch Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp để giải quyết những bất cập từ loại hình tour giá rẻ và tour 0 đồng.
Theo đó, Tổng cục Du lịch và các địa phương sẽ phối hợp quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn”, tức công ty đón khách không thu bất kỳ chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hoặc bán lại khách cho HDV. Nếu phát hiện có sai phạm, HDV hoặc công ty du lịch sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành.
Với các điểm mua sắm, sẽ gắn biển đạt chuẩn, bảo đảm khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm thông qua đánh giá và khiếu nại của du khách. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý để xử lý nhanh chóng, kịp thời khiếu nại, khiếu kiện của du khách khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo.
Tuy nhiên, để xử lý, ngăn chăn mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của tour giá rẻ cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm soát đối với các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, nghiêm cấm giao dịch “chui”, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài; kiên quyết xử phạt và rút giấy phép đối với các doanh nghiệp lữ hành có hành vi vi phạm luật kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách; đồng thời tích cực tuyên truyền thông tin điểm đến cho khách du lịch, đảm bảo chất lượng; cũng như triển khai, rà soát các hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và kinh doanh du lịch giá rẻ nói riêng.
Quả thực, để quản lý và kiểm soát loại hình tour giá rẻ, tour 0 đồng cần có một lộ trình chặt chẽ; bởi nếu không kiểm soát, loại hình du lịch này sẽ có nhiều biến tướng, gây ra những hệ lụy khôn lường. Việc quản lý tour du lịch giá rẻ cần phải đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường, đồng thời phải quản lý được chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ được quyền lợi của khách du lịch, hình ảnh điểm đến cũng như các nguồn thu thuế cho Nhà nước.