Bức xúc trên những đồi chè “Thanh Niên”

Năm 1970, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định thành lập Khu kinh tế thanh niên làm nhiệm vụ thí điểm phát triển kinh tế đồi rừng. Những năm đầu tiên quá trình thí điểm, trồng các loại cây như dứa, chuối tiêu, ngô lai… là cây trồng chủ đạo. Kể từ năm 1976 thì những cây chè đầu tiên đã được trồng thay thế cho mọi cây trồng khác, đặt nền móng xí nghiệp chè Thanh Niên ngày nay.

Đâm lao thì phải theo lao!

Xã Minh Đài, huyện Tân Sơn là nơi đặt đại bản doanh của xí nghiệp chè Thanh Niên - là một trong ba xí nghiệp của công ty chè Phú Đa. Những ngày gần đây, trên những đồi chè đang trong giai đoạn nghỉ chờ thu hoạch, gần 100 công nhân trồng chè thuộc 18 đội chè ở các xã khác nhau trong huyện, đang tụ họp bàn tán xôn xao về nhiều khúc mắc mà 2 năm nay buộc họ vẫn phải ngậm ngùi bước tiếp theo cây chè. Qua phản ánh, đa phần những đồi chè hiện nay là do thế hệ cha mẹ để lại, ngoài cây chè họ không có cây trồng nào khác.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - công nhân trồng chè đội 6 cho biết, 2 vợ chồng chị hiện nay đang nhận chăm sóc và thu hoạch 2ha chè của xí nghiệp chè Thanh Niên. Hàng năm 2 vợ chồng chị phải nộp sản cho xí nghiệp 23 tấn chè, vì giá thu mua của công ty quá thấp, hơn nữa công ty trừ phần trăm hao hụt quá nhiều, có những lứa lên đến 28%, do vậy có những lứa chè sau khi trừ mọi chi phí như phân bón, thuốc trừ sâu, bảo hiểm, tiền công đoàn… thì vợ chồng chị âm tiền.

photo-1-11-18-5-35-51-pm-1516162559

Cảnh ngộ của anh Bùi Văn Lượng - công nhân trồng chè đội 4 lại khác. Anh Lượng cho tôi xem những tờ hóa đơn thu mua chè của xí nghiệp chè Thanh Niên, từ đầu năm 2017 đến hiện tại, anh mới chỉ được thanh toán 4 lứa chè. Sau khi trừ các khoản, tổng số tiền được cầm về là 12 triệu đồng và từ tháng 9 cho tới tháng 1/2018, công ty vẫn chưa thanh toán 2 lứa chè cho anh.

Chị Nhung, anh Lượng chỉ là 2 trong số hơn 1000 công nhân trồng chè đang có hợp đồng lao động, kèm theo phụ lục giao khoán trồng chè cho công ty chè Phú Đa. Từ tuổi thơ ấu đã đi theo cha mẹ lên đồi chè nên ở đây thế hệ như các anh cũng xác định bước tiếp nghề chè để làm kế mưu sinh, thế nhưng nếu với thu nhập của công nhân trồng chè như hiện nay thì rất khó có của ăn chứ chưa dám nghĩ đến có của để. Mặt khác, do đã đóng được 10 năm BHXH nên hiện tại rất nhiều người đang nghĩ “đâm lao thì phải theo lao” cho đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. 

Quyền lợi người lao động đang bị xâm phạm!

Theo rất nhiều công nhân trồng chè ở đây cho biết: Ngày 15-12-2017 khi lá đơn kiến nghị những bức xúc của công nhân với gần 100 chữ ký được gửi đến các cơ quan chức năng, thì ngày 28-12-2017, bỗng nhiên xí nghiệp chè Thanh Niên, có “phát” cho họ hàng loạt hợp đồng lao động có ghi ngày ký 1/1/2017, mà họ chưa từng biết đến, có hợp đồng có chữ ký nhưng không phải chữ ký của người lao động, có hợp đồng không có chữ ký. Đặc biệt có nhiều điều khoản trong hợp đồng rất vô lý và khó hiểu.

Ví dụ trong hợp đồng có điều khoản là “Được trang bị bảo hộ lao động” tuy nhiên trên hóa đơn thu mua chè của anh Lượng lại có thu của anh khoản tiền khẩu trang là 60.000 đồng. Hay tại điều IV của tờ hợp đồng ghi: “Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được tham gia đóng theo quy định của Luật bảo hiểm về mức tham gia và tỉ lệ đóng, được hỗ trợ trong đơn giá chè búp tươi theo kế hoạch sản xuất hằng năm của công ty”. Vậy thực tế khoản hỗ trợ này ra sao?

Qua tìm hiểu, tại công ty chè Phú Đa ngoài những cán bộ, công nhân lao động trực tiếp trong nhà máy, xí nghiệp thì còn có 2 đối tượng giao khoán trồng chè đó là công nhân trồng chè có ký hợp đồng lao động và người trồng chè theo hợp đồng giao khoán (tức là không có ràng buộc về quan hệ lao động với chủ sử dụng lao động, chỉ là quan hệ theo hợp đồng kinh tế). Theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2017, thay thế cho quyết định số 959/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tiền bảo hiểm xã hội là 32% mức lương hàng tháng của người lao động, trong đó người lao động phải đóng 10,5%, chủ sử dụng lao động đóng 21,5%. 

Thực tế, khi mỗi đợt thanh toán tiền chè cho cả 2 đối tượng trên thì giá chè búp tươi là như nhau, không có sự khác biệt giữa đối tượng hợp đồng giao khoán và hợp đồng lao động và công ty đã vi phạm điều 4 trong hợp đồng lao động và người công nhân trồng chè phải tự trích đóng BHXH lên đến 32% để đảm bảo quyền lợi bản thân.

Một điều đáng nói nữa, công ty có ký hợp đồng lao động với 1 số lao động là người dân tộc thiểu số thì sẽ được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa là 5 năm đối với một người lao động, được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

123456789-1516162750

Anh Sa Đức Thịnh, người dân tộc Mường - công nhân trồng chè đội 6, xí nghiệp chè Thanh Niên, đóng BHXH từ năm 2007. Theo Quyết định 42/2012/QĐ-TTg thì Nhà nước sẽ hỗ trợ nộp thay cho tỷ lệ trích đóng BHXH của công ty chè Phú Đa đối với anh Thịnh  kể từ ngày 01/12/2012 đến ngày 01/12/2017. Tuy nhiên anh Thịnh cho biết: “Năm 2014, tôi được đội trưởng đội 6 chuyển cho hơn 4 triệu đồng và có nói là tiền hỗ trợ BHXH cho người dân tộc thiểu số. Còn lại các năm trước và sau 2014 cho đến nay tôi hoàn toàn không nhận được khoản tiền này nữa”.

Những bức xúc bao giờ được giải quyết?

Năm 1999, 3 công ty chè là Thanh Niên, Tân Phú và Phú Sơn sáp nhập thành công ty chè Phú Đa trực thuộc tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea) và liên doanh góp vốn với IRAQ theo tỉ lệ góp vốn 45% - 55%. Thực hiện việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần theo quyết định 864 của Thủ Tướng Chính phủ, tháng 12 năm 2015 Tổng công ty Chè Việt Nam – Công ty cổ phần chính thức chuyển đổi mô hình và công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống nhất (GTN) sở hữu 95% cổ phần. Hiện nay, Công ty chè Phú Đa là công ty sản xuất chè đen lớn nhất và chất lượng tốt nhất Việt Nam với sản lượng hàng năm từ 5000 – 5500 tấn.

123456789-1516171438

Công nhân chăm sóc vườn chè

Trước những bức xúc phản ánh của những công nhân trồng chè, ông Hoàng Minh Tráng, trưởng phòng Hành chính – Nhân sự công ty cho biết: “Hàng năm, công ty luôn thực hiện tốt các chế độ phúc lợi cho người lao động trong toàn công ty. Trước những bức xúc của công nhân trồng chè thì công ty chỉ chờ vào kết quả thanh tra của đoàn thanh tra Sở LĐ-TB&XH rồi sau đó sẽ giải quyết khúc mắc với công nhân”.

Trước đó ngày 4/1, Sở LĐ-TB&XH đã cử đoàn công tác làm việc với công ty chè Phú Đa về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với người lao động tại doanh nghiệp. Và đến ngày 15/1, khi phóng viên làm việc với đại diện công ty vẫn chưa có kết quả thanh tra.

Cũng theo ông Tráng: “Những bản hợp đồng lao động được phát hàng loạt cho công nhân là do công ty hiện nay thay đổi làm nông nghiệp bền vững RA và phải làm lại hàng loạt theo hướng dẫn của RA. Và vấn đề bảo hiểm cho người dân tộc thiểu số thì 3 năm nay công ty chưa giải quyết được vì chuyển đổi mô hình kinh doanh nên phải làm lại hồ sơ và tiếp tục… đợi kết quả thanh tra”.

Truy cập vào địa chỉ https://www.rainforest-alliance.org/, được biết đây là chương trình đào tạo các trưởng nhóm về nông nghiệp bền vững là dịch vụ của Rainforest Alliance. Đối với tài liệu dành cho vườn trà thì cũng không thấy có yêu cầu nào phải làm lại hợp đồng lao động… Khi được hỏi, đa số công nhân trồng chè đều không biết và chưa bao giờ nghe thấy nông nghiệp bền vững RA là gì!

Trước những bức xúc từ phía những công nhân trồng chè của xí nghiệp chè Thanh Niên, thì một vấn đề đặt ra đó là công tác quản lý, phối hợp, giám sát thực hiện pháp luật tại công ty của các cơ quan liên quan chưa tốt. Do vậy, quyền lợi của người lao động bị xâm phạm.

Báo chí và công nhân trồng chè ở đây đang chờ đợi một kết quả thanh tra thực sự chính xác, công khai, minh bạch của Sở LĐ-TB&XH để họ được đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp, chế độ đã bị thiếu hụt, một sự công bằng xứng đáng với những công sức, những giọt mồ hôi đổ lên trên những búp chè xanh. Cái Tết đã cận kề, hàng ngày một số công nhân vẫn đang tìm kiếm 1 công việc lao động chân tay tạm thời, trong thời gian cây chè  đang “ngủ” để kiếm đồng ra, đồng vào chăm lo cho cái Tết sum vầy.

Đọc thêm