Về tốc độ phát triển của đất nước, phải ghi nhận rằng, tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm. Năm 2018, GDP tăng 7,08% là mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Chúng ta đã có mức tăng trưởng cao và khá ổn định.
Tuy nhiên, những số liệu GDP ở trên cho thấy một thực tế, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một giãn ra, với tốc độ rất nhanh so với GDP của Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn của Việt Nam 3.900 USD, nhưng nay đã vọt lên hơn 7.500 USD, gần gấp đôi.
Nhiều nhà kinh tế đã quan ngại khi cho rằng: Việt Nam đã tụt hậu vòng 1 khi tính GDP bình thường và tất cả các phân tích đều so sánh theo giá hiện hành. Dù Việt Nam bước nhiều bước, tốc độ nhanh nhưng lại bước ngắn nên bị bỏ lại so với các quốc gia khác bước chậm nhưng bước dài. So với thế giới, chúng ta đang đối diện với tình trạng ngày càng tụt hậu.
Vấn đề là đến nay chúng ta tiếp tục tụt hậu vòng 2, tức tụt hậu ngay cả với những nước nhỏ bên cạnh mình như Lào. Theo số liệu World Bank 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã thua cả Lào, quốc gia đã đầu tư và tiếp nhận đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, theo WEF năm 2018, Việt Nam xếp hạng cạnh tranh quốc tế về 4.0 tăng 1 điểm nhưng lại tụt 3 hạng, tức là trong cuộc đua này, chúng ta có tiến lên nhưng các quốc gia khác tiến nhanh hơn.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển con người HDI, chỉ tiêu kinh tế tri thức KEI vẫn đứng dưới 100, thậm chí nhiều chỉ tiêu khác thấp hơn. Chỉ số năng lực cạnh tranh nền kinh tế GCI cũng đứng thứ 90. Việt Nam đang đối diện nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, khó thoát.
Chúng ta đạt nhiều thành tích về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy tăng trưởng khá cao nhưng chất lượng tăng trưởng ngày càng có vấn đề, các cơ cấu của nền kinh tế vẫn còn rất lạc hậu và lệch lạc. Mô hình tăng trưởng của chúng ta lệ thuộc vào nhập nguyên liệu, hay mô hình tăng trưởng “xuất khẩu thuê, gia công hộ”, với giá trị gia tăng thấp chỉ 10-20%.
Con đường trước mắt là gì? Tất nhiên, phải nhìn nhận nhiều vấn đề. Ngay như việc duy trì quá lâu dài mô hình doanh nghiệp Nhà nước làm “tiêu tán” hết nguồn lực, kỳ thị kinh tế ngoài quốc doanh, kinh tế tư nhân quá lâu, “chiều chuộng vô lối” FDI, bộ máy quản lý, bộ máy hành chính nhiều tầng nấc, cồng kềnh “bám hút” hết tất cả những gì cần tích lũy...
Rõ ràng, bộ máy Nhà nước cung cấp dịch vụ, xã hội công bằng, phát triển hài hòa qua thực hiện dân chủ rộng rãi là điều cốt lõi, giúp chúng ta mới có thể “bước dài”.