Cát, sỏi lâu nay đã trở thành “chuyện lớn” khi nạn “cát tặc” đã và đang làm “đau đầu” các cơ quan quản lý. Khai thác cát, sỏi trái phép thực chất là ăn cắp tài nguyên, gây xói lở, biến đổi các dòng chảy sông suối, gây sụt lún (dễ thấy nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long).
Chính Chủ tịch Cần Giờ cũng kêu lên tình trạng khai thác cát lậu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và an ninh khu vực. 4 năm trở lại đây tình trạng đã ở mức báo động. Nguyên nhân là khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp.
Các đối tượng tổ chức khai thác có quy mô, diễn ra rầm rộ nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Vì vậy, các ngành chức năng như Thanh tra Đường thủy nội địa, Cảnh sát Giao thông đường thủy, Cảnh sát Môi trường đã và đang phải “truy đuổi” rất căng thẳng. Xem ra vẫn là “chạy theo cát tặc”.
Đặc biệt “cát tặc” có biểu hiện “lợi ích nhóm”, có sự “chia phần”, “bảo kê” của chính quyền và cơ quan chức năng.
Mới đây, câu chuyện “cát tặc” lại nóng lên trong một hội nghị tại TP HCM. Ngày hôm qua, 23/4, địa phương này tổ chức họp bàn về phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ (giáp ranh các tỉnh và TP HCM). Nhiều vấn đề đang đặt ra: doanh nghiệp được phép khai thác chuyển nhượng, cho thuê phương tiện; doanh nghiệp/tổ chức, cá nhân khai thác trái phép đối phó bằng nhiều thủ đoạn.
Tuy nhiên, với “cát tặc”, “sỏi tặc” thì “đầu ra” của họ không ai tính đến. Phải nói là, phần lớn các công trình xây dựng hiện nay trên cả nước, từ xây tư gia đến công trình quốc gia đều sử dụng cát, sỏi khai thác trái phép.
Như vậy, xung quanh hạt cát, viên sỏi đang tồn tại “khoảng trống” luật pháp: Thứ nhất là, mức xử phạt hành chính nói riêng và cưỡng chế luật pháp nói chung hiện nay chưa tương xứng. Từ năm 2017 tới nay, công an cả nước đã kiểm tra phát hiện 13.610 vụ với hơn 4.200 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về khai thác cát, an toàn giao thông đường thủy; tịch thu 142 tàu hút cát và phạt tiền trên 69 tỷ đồng.
Tuy nhiên chỉ có 7 vụ/7 bị can bị khởi tố về hành vi “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Thứ hai, cát, sỏi “hợp pháp” cung cấp cho nhu cầu xây dựng hiện nay còn lâu mới đáp ứng nhu cầu. Thứ ba, người Việt Nam chưa có “văn hóa” tiêu dùng đúng luật pháp, cứ mua được giá rẻ là mừng.
Lợi nhuận cao cùng với nhu cầu lớn trong khi biện pháp chế tài không đủ mạnh khiến cho “cát tặc” không ngần ngại hoạt động và thách thức mọi nỗ lực của chúng ta. Cát, sỏi không vô cùng, vô tận. Do vậy, đã đến lúc phải xem xét lại khái niệm ngay trong luật pháp.