Bước tiến mới trong công tác tín dụng chính sách ở miền Tây

(PLO) - 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao cất lượng tín dụng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 1,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Từ đó góp phần giúp khoảng 230 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 88 nghìn lao động, giúp trên 29 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 8 nghìn căn nhà vượt lũ… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 13,48% (năm 2011) xuống còn 5,7% (năm 2014).
Thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng
chính sách đã tạo ra sự tin tưởng trong việc tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước tại các địa phương 
Trăn trở từ miền Tây
Vào thời điểm cuối năm 2011, tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tiền Giang bình quân ở mức 1,67% trên tổng dư nợ; lãi tồn đọng gần 15 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ bị chiếm dụng, nợ chưa đổi được sổ vay vốn. 
Nguyên nhân của tình trạng này trước hết do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và trình độ dân trí tại tỉnh Tiền Giang còn thấp, nhưng chủ yếu vẫn là công tác phối hợp với các hội, đoàn thể và các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) chưa được chặt chẽ, thiếu sự đồng bộ. 
Qua 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhìn chung chất lượng tín dụng chính sách ở Tiền Giang có chuyển biến rõ rệt. Đến nay, nợ quá hạn của toàn NHCSXH tỉnh là 10.990 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,68% tổng dư nợ, giảm hơn 7,4 tỷ đồng so với đầu năm 2012... 
Câu chuyện ở Tiền Giang là tình huống chung của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – nơi vừa thực hiện 3 năm Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng ĐBSCL. 
Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2011, khi bắt đầu xây dựng đề án, mặc dù 13 chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai tại khu vực này thông qua NHCSXH, tổng nguồn vốn ủy thác địa phương tại khu vực đạt 419 tỷ đồng, một số tỉnh có chất lượng tín dụng khá ổn định, việc huy động tiền gửi tiết kiệm được triển khai mạnh mẽ, tuy nhiên, chất lượng tín dụng toàn khu vực cũng bộc lộ nhiều hạn chế. 
Cụ thể, hàng năm tăng trưởng dư nợ ở mức thấp. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân tại các tỉnh vùng ĐBSCL từ năm 2003 - 2011 là 24,9%/năm, trong khi đó tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân của toàn quốc là 33,8%/năm. 
Đến thời điểm xây dựng đề án, tổng số nợ xấu chiếm 35% toàn quốc, tỷ lệ nợ xấu 4,2%, gấp 2,1 lần tỷ lệ nợ xấu bình quân chung toàn quốc. Lãi chưa thu còn tồn đọng lớn chiếm 36,6% lãi đọng toàn quốc; nợ không đối chiếu được và không đủ điều kiện đổi sổ vay vốn chiếm 62,7% toàn quốc. 
Ngoài ra, nợ bị chiếm dụng còn tồn đọng cao hơn so với các khu vực khác. Số tổ TK&VV trung bình và yếu kém của vùng là 18,4% trong khi tỷ lệ tổ trung bình và yếu kém của toàn quốc là 12,1%...
Quyết tâm bứt phá
Để cải thiện chất lượng tín dụng chính sách ở ĐBSCL, một số chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra cho giai đoạn 2012 – 2014. Cụ thể, nợ quá hạn giảm dần từng năm, Long An và Bến Tre không phát sinh tăng nợ quá hạn, các tỉnh còn lại kiềm chế nợ quá hạn dưới 2%. 
Phấn đấu bình quân một năm giảm từ 20-30% số lãi tồn đọng và đến cuối năm 2014 tổng số lãi tồn đọng còn 30% so với lãi tồn của năm 2011... Trên 60% tổ TK&VV được xếp loại tốt và không có tổ yếu kém.
Sau 3 năm thực hiên đề án với nhiều giải pháp quyết liệt, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đến hết năm 2014, chỉ tiêu về tỷ lệ nợ quá hạn chung đạt vượt so với kế hoạch đề ra. 
Tổng nợ quá hạn trong vùng là 160.046 triệu đồng, giảm 474.720 triệu đồng (giảm 74,8%), chiếm tỷ lệ 0,71%/tổng dư nợ, giảm 3,4% so với thời điểm xây dựng đề án, hoàn thành 184% so với chỉ tiêu nợ quá hạn đề ra theo lộ trình thực hiện đề án đến cuối năm 2014 (tỷ lệ nợ quá hạn theo lộ trình đến cuối năm 2014 là 1,31%). 
Tất cả 13/13 tỉnh, thành phố đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nợ quá hạn của Hậu Giang 0,69%, giảm 87,1%; An Giang 0,96%, giảm 85,7%; Trà Vinh 0,54%, giảm 83,1%... Đây thực sự là một thành công nổi bật trong 3 năm thực hiện đề án.
Sau khi tiến hành sắp xếp lại các tổ TK&VV, số tổ tốt đã tăng từ 15.927 tổ (tương đương 35,78%) lên 28.217 tổ (tương đương 67,8%), hoàn thành vượt chỉ tiêu của đề án 7,8% và không còn tổ xếp loại kém. Đến 31/12/2014, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại 13 tỉnh trong khu vực  là 22.384 tỷ đồng, tăng 5.462 tỷ đồng so với thời điểm xây dựng đề án, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng hàng năm 10,76% (tốc độ tăng chung toàn quốc là 7,76%). 
Thực hiện đề án này cũng từng bước làm thay đổi tư duy và cách làm trì trệ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ NHCSXH trước đây, đồng thời tạo ra sự tin tưởng trong việc tiếp tục tổ chức triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước tại các địa phương. 
Việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay; khách hàng vay vốn đã có chuyển biến về ý thức có vay, có trả, chấp hành khá tốt quy định nộp tiền lãi và gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng, trả nợ vay khi đến hạn.
Còn nhiều nhiệm vụ nặng nề phía trước
Tuy đạt vượt chỉ tiêu nợ quá hạn nhưng nếu tính cả nợ khoanh thì tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của vùng ĐBSCL còn rất cao so với mức bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH. Đến ngày 31/12/2014, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của vùng này là 2,44% trong khi bình quân chung của toàn hệ thống là 0,89%. 
Đồng thời, số nợ quá hạn còn lại sau 3 năm thực hiện đề án đều là những khoản nợ rất khó xử lý, thu hồi; một số chương trình tín dụng vẫn tiềm ẩn rủi ro dễ ảnh hưởng đến việc gia tăng nợ quá hạn, như: chương trình cho vay nhà trả chậm, nhà ở hộ nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay xuất khẩu lao động về nước trước hạn, học sinh sinh viên ra trường chưa có việc làm, gia đình nghèo quá khó khăn không có khả năng trả nợ,...
Số nợ khoanh hết thời hạn được khoanh nợ trong những năm tới rất lớn (năm 2015 là 12,8 tỷ, năm 2016 là 55 tỷ, năm 2017 là 66 tỷ, năm 2018 là 144 tỷ, năm 2019 là 107 tỷ) và chủ yếu là của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đây sẽ là bài toán khó mà NHCSXH phải giải trong thời gian tới...
Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng ĐBSCL, có thể thấy chất lượng tín dụng có thể được cải thiện hoàn toàn nếu biết phát huy nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị địa phương trong việc chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thời gian tới, NHCSXH đặt mục tiêu 100% người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH cung cấp. Phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ hàng năm tại vùng ĐBSCL khoảng 9%, bao gồm nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương (cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung hàng năm).  
Năm 2015, phấn đấu giữ bằng mức nợ quá hạn bình quân chung của vùng ĐBSCL thời điểm 31/12/2014 là 0,7% và phấn đấu các năm tiếp theo bằng bình quân chung toàn quốc. Cùng với thu hồi, xử lý nợ khoanh, lãi tồn, tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ TK&VV. Phấn đấu hàng năm có trên 65% tổ TK&VV tốt, giảm ít nhất 10% tổ trung bình và không có tổ yếu kém..
Trong những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng, cán bộ, nhân viên trong hệ thống NHCSXH đã thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ thiết thực đối với người nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội trên địa bàn toàn quốc nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. 
Công đoàn NHCSXH phát động cán bộ, đoàn viên đóng góp ủng hộ 8.166 triệu đồng cho các tỉnh vùng ĐBSCL để hỗ trợ xây dựng 09 cây cầu dân sinh (trong đó: tỉnh Bạc Liêu 3 cây cầu tại huyện Đông Hải và Phước Long, tỉnh Bến Tre 01 cây cầu tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Kiên Giang 02 cây cầu tại huyện Châu Thành và Vĩnh Thuận, tỉnh Long An 01 cây tại huyện Thạnh Hoá, tỉnh Sóc Trăng 1 cây tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Vĩnh Long 01 cây tại huyện Tam Bình); đổ bê tông tuyến đường kênh mới dài 1765m tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An; tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 900 người là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, giúp cho họ được khám, chữa bệnh, có điều kiện kiểm tra sức khỏe, sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Đọc thêm