Thời gian qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, thủy triều dâng cao đột biến, tràn qua mặt đê, gây ảnh hưởng đến chân đê ở biển Tây (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Những người dân tại đây vô cùng sửng sốt vì chưa bao giờ họ chứng kiến một trận bão lớn như thế trong khoảng gần 20 năm trở lại đây. Bà Nguyễn Thị Ten cho biết, cả gia đình bà thực sự lo sợ và hoang mang trước sự hung dữ của cơn bão, khiến thủy triều dâng quá cao kèm theo sóng cực lớn.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng trách nhiệm của đơn vị thi công kè bảo vệ đê biển đã hạn chế được sạt lở nghiêm trọng ở đê biển Tây. Nhưng, cơn bão số 3 này cũng đã gây ảnh hưởng đến công trình kè ở phía bờ tây cửa biển Rạch Gốc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Đại diện đơn vị thi công tuyến kè phía bờ tây cửa biển Rạch Gốc, Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên một số đoạn kè bị hư hại. Đoạn kè này đang thi công dở dang, chưa được nghiệm thu nên đơn vị sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và khắc phục.
Công trình này có dự toán trên 42 tỷ đồng nhưng cho đến thời điểm này đơn vị thi công vẫn đang tự bỏ toàn bộ kinh phí thực hiện, chỉ nhận thanh toán lại sau khi công trình hoàn thành và được nghiệm thu.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Roanh, chuyên gia về công trình biển đánh giá Busadco đã xung phong chọn bờ biển xói lở nghiêm trọng nhất để thí điểm giải pháp kè phá sóng xa bờ. Đây thực sự là một rủi ro, thách thức lớn cho Busadco khi dám đương đầu với công tác phòng chống thiên tai khắc nghiệt tại biển Đông Cà Mau.
Ông Nguyễn Võ Khoa, Phó Tổng giám đốc Busadco, cho biết, Busadco đã cam kết với Ban Quản lý dự án và Chủ đầu tư đến 31/12/2019 sẽ hoàn thành. Hiện nay Busadco đang tập trung nguồn lực công việc khắc phục để trong thời gian ngắn nhất hoàn thành như cam kết.
“Chúng tôi cam kết tự chịu trách nhiệm về hiệu quả công trình trong quá trình thi công và bảo hành” - ông Khoa khẳng định
Được biết, kè Busadco đang thi công tại biển Rạch Gốc, biển Đông là công trình kè phá sóng xa bờ. Công trình này được đánh giá là bước tiến khoa học mới của Busadco khi được tiếp tục phát triển từ công nghệ kè bờ, sông hồ và đê biển của Busadco đã được ứng dụng thành công tại Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.
Một chuyên gia thủy lợi cho biết, kè phá sóng xa bờ của Busadco có ưu điểm phá sóng từ xa, gây bồi tạo bãi. Nếu thí điểm thành công tại biển Đông thì sẽ mở ra một hướng đi mới cho giải pháp kè phá sóng xa bờ tại các tỉnh khác của Đồng bằng sông Cửu Long.