Nhiều giải pháp nhưng chưa có giải pháp tối ưu nhất
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, hiện thời tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với tình trạng sạt lở, cố gắng tìm tòi nhiều biện pháp, giải pháp công trình để chống sạt lở.
Tính đến nay, Cà Mau đã xây dựng bảo vệ được 18km kè biển để ứng phó với tình trạng sạt lở với nhiều giải pháp khác nhau. Ông Sử cho biết, các giải pháp bước đầu đã có kết quả khá tốt, không chỉ ngăn chặn tình trạng sạt lở mà còn gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn của tỉnh.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết, hiện nay, tỉnh Cà Mau đã sử dụng 8 giải pháp để chống sạt lở ven biển từ nhiều năm nay, trong đó có những giải pháp chỉ là giải pháp tình thế, để chống chọi trước mắt nhưng cũng có những giải pháp đã cho những kết quả đầu tiên.
Theo đó, giải pháp kè chống sạt lở bằng rọ đá kết hợp với cọc bê tông cốt thép (BTCT), cừ bản nhựa, cừ tràm không đảm bảo do không có khả năng chống chọi lại các tác động xâm thực của sóng biển, chỉ là giải pháp tạm thời.
Giải pháp kè chống sạt lở bằng kết cấu BTCT theo kiểu tự chèn (ở khu vực biển Tây tại khu du lịch Đá Bạc, Trần Văn Thời) có tác dụng bảo vệ chân của công trình, nhằm tránh xâm thực từ biển vào chân công trình nên không tạo được bãi gây bồi để trồng rừng chắn sóng, thời gian thi công dài, chi phí đầu tư lớn với 40 triệu/m dài.
Giải pháp kè chống sạt lở bằng cừ dừa cũng không đảm bảo do cừ dọc dừa dễ bị mục trong điều kiện không ngập thường xuyên trong nước và trong đất, cũng chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời.
Giải pháp kè chống sạt lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc, cừ lưới có thể chống được sạt lở, giữ phù sa, tạo bãi bồi nhưng chi phí đầu tư cao (khoảng 33 triệu đồng/m);
Giải pháp đê trụ rỗng là một giải pháp công nghệ mới nhưng suất đầu tư cũng vẫn khá cao (22 triệu đồng/m) và có nhược điểm lớn là giải pháp này chỉ áp dụng được ở những nơi có độ sâu thấp, ở những nơi có mực nước lớn chi phí sẽ tăng lên rất nhiều.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, dù tự hào với kết quả giải pháp đã đạt được nhưng suất đầu tư cao nên tỉnh đang cần tìm kiếm những công trình có mức đầu tư thấp hơn.
Phải sử dụng công nghệ mới, hiệu quả, mức đầu tư thấp
Mới đây, ở khu vực biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời đã xuất hiện một giải pháp mới, sử dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” do Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) nghiên cứu và ứng dụng.
Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo, AHLĐ, Tổng giám đốc Busadco cho biết : cấu kiện này được lắp ghép bằng các tấm bê tông cốt sợi phi kim có khả năng chống ăn mòn, xâm thực. Ở bề mặt cấu kiện của có các lỗ tiêu sóng, lỗ tiêu sóng ở mặt trước cấu kiện lớn hơn lỗ tiêu sóng ở mặt sau, các lỗ tiêu sóng này không đồng tâm nhằm đạt được hiệu quả tiêu sóng cao nhất, một phần áp lực sóng sẽ bị tiêu hao nhờ các vật liệu tiêu sóng đặt trong lòng cấu kiện.
Nhà khoa học, AHLĐ Hoàng Đức Thảo chia sẻ về đoạn kè mà Busadco đã hoàn thành ở biển Tây Cà Mau |
Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi cho rằng, bằng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”, Busadco đã hình thành nên một hướng nghiên cứu mới có khả năng thay thế các giải pháp truyền thống, khả năng ứng dụng rộng rãi, khắc chế được tình trạng xói lở bờ do biến đổi khí hậu.
Công nghệ Busadco thể hiện tính mới, tính sáng tạo, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới. Công nghệ này có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng, tiến độ thi công so với các loại hình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm đã và đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt giá cả là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của công nghệ này khi chỉ với chi phí 18 triệu đồng đã có thể kè, bảo vệ 1m dài bờ sông, hồ và đê biển.
Tuy nhiên, ông Sử vẫn bày tỏ sự băn khoăn khi áp dụng công nghệ mới. Ông chia sẻ “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có những tư vấn cụ thể về nghiên cứu công nghệ, thí điểm ra sao, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn như thế nào thì mới tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong lựa chọn, sử dụng công nghệ để bảo vệ bờ, đê biển trước tình trạng nguy cấp hiện nay”.
Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, các địa phương phải áp dụng công nghệ mới và nhiều giải pháp khác để giảm chi phí. Nếu như trước đây đầu tư cho 1km kè biển mất khoảng 30-70 tỷ, nay rút xuống còn từ 18-25 tỷ mức đầu tư sẽ giảm đáng kể và các địa phương sẽ thực hiện các phương án kè để bảo vệ bờ, đê biển được nhanh hơn, nhiều hơn.