Chia sẻ về vấn đề trên, ông Đỗ Minh Điền - Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết: Cà Mau là tỉnh có 3 bên giáp biển, phía Bắc giáp Bạc Liêu, Kiên Giang. Chúng tôi là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung nên với tình trạng hạn hán kéo dài, vùng Bắc Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt; khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và mất áp lực nước lên bờ kênh dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, đường giao thông rất nghiêm trọng. Đối với vùng Nam Cà Mau, hạn hán kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn nước sông tăng cao, ảnh hưởng bất lợi đến nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và khó khăn về nước sinh hoạt do mực nước ngầm sụt giảm”.
Mực nước trên các hệ thống kênh mương bị sụt giảm khô cạn, ảnh hưởng bất lợi đến nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và khó khăn về nước sinh hoạt do mực nước ngầm sụt giảm, gây ảnh hưởng người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. |
“Tình hình hạn hán mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh diễn biến gay gắt, dẫn đến hạn hán. Đặc biệt Tiểu vùng III - Bắc Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời, mực nước trên các hệ thống kênh mương bị sụt giảm khô cạn. Cập nhật đến ngày 28/3/2024 trên địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã xảy ra sạt lở, sụt lún tổng số 132 tuyến, có 591 vị trí, với tổng chiều dài 15.608m. Trong đó: đường bê tông dài 11.668m (đường bê tông 1,5m dài 6.409m, đường bê tông 2,0m dài 124m, đường bê tông 2,5m dài 86m, đường bê tông 3,0m dài 5.049m), đường đất đen dài 3.940m; ước tính thiệt hại khoảng 21.589 triệu đồng”, ông Đỗ Minh Điền cho biết thêm.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng El Nino, từ tháng 1 đến tháng 6/2024 khả năng hạn hán gay gắt, thiếu nước tiếp tục diễn ra trên trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, theo ông Đỗ Minh Điền, cần thực hiện các giải pháp tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm; hạn chế tối đa việc lấy nước ngọt tại các kênh rạch ven đường giao thông, đê biển, đê bao, bờ bao. Thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh ven đê, đường giao thông nông thôn và phải thông báo cho các cơ quan chức năng khi mực nước hạ thấp hơn mức cảnh báo -1.0m so với cao độ quốc gia; giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp để cấp nước sinh hoạt như: Đầu tư xây dựng công trình mới; mở rộng, kéo dài tuyến ống công trình cấp nước; hỗ trợ dụng cụ trữ nước, xây dựng thí điểm.
Đối với những vị trí có nguy cơ sụt lún cần có giải pháp giảm tải trên bờ kênh, bờ bao, đường giao thông (như phân luồng giao thông, di dời nhà, vật kiến trúc sát bờ kênh, đê bao,... cắt tỉa cành cây, lựa chọn giải pháp tạo phản áp phù hợp với điều kiện thực tế.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nguy cơ thiếu nước ngọt tại một số vùng ở Cà Mau vào mùa khô ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh Cà Mau đưa ra những giải pháp, xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi (đầu tư mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến nhằm chia nhỏ các vùng có diện tích từ 500ha đến 1000ha nhằm chủ động trong việc điều tiết nước trong nội vùng ngọt, hạn chế bơm bỏ ra sông Đốc và biển Tây. Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tối đa mất phản áp khi mực nước trong kênh hạ xuống quá thấp.
Từ đó, “Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ, Ngành, Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí dự kiến đầu tư 5 hệ thống thủy lợi khoảng 197.040 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện đầu tư “Dự án cấp nước sạch sinh hoạt bức xúc khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau”, dự kiến khoảng 13.900 hộ dân được hưởng lợi, kinh phí đầu tư 241,7 tỷ đồng. Xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản lộ - Phụng Hiệp gồm các hạng mục sửa chữa Âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên quốc lộ 1A. Mục tiêu là chậm mặn bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng vào mùa khô.
Cùng với đó, tỉnh Cà Mau cũng đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm. Việc tiếp ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ”, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết.
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã Quyết định sử dụng 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho 3 huyện: Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình thiếu nước nghiêm trọng, để mua dụng cụ chứa nước và tổ chức mở rộng mạng đường ống cấp nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.