Anh Thắng cho biết thêm, một công thức đầy đủ để cho ra thứ bột gọi là “cà phê” bao gồm: Chất tạo hương Socola (có giá khoảng 280 ngàn đồng/kg), N2 (chất tạo hương cà phê), men (chất tạo hương caramen), đường hóa học, chất tạo màu, sữa đục, sữa béo, bơ, muối, CMC (chất tạo bọt, được dùng làm xà phòng) và đậu nành. Muốn làm ra bao nhiêu kilogam cà phê, chỉ cần đẩy số lượng hạt đậu nành lên chừng đó kilogam.
Chẳng hạn, muốn làm ra 500kg cà phê thì trọng lượng đậu nành cần có khoảng 480kg, còn lại là các phụ gia hóa chất để tạo màu, tạo mùi, tạo độ ngậy, độ béo và độ đắng giống y như cà phê thật. Khi chúng tôi thắc mắc hỏi vậy thì cà phê thật chiếm bao nhiêu phần trăm, người đàn ông này chỉ cười và cho hay: “Chiếm 0%”.
Một cơ sở sản xuất cà phê giả ở Quảng Ngãi bị công an bắt quả tang. |
Trong số hóa chất đó có CMC - chất được dùng để sản xuất xà phòng, được họ dùng để tạo bọt cho cà phê có nguy cơ gây ung thư cao nhất. Nhiều thực khách không hiểu cứ nghĩ rằng cà phê nguyên chất phải có nhiều bọt, không ai tin đó là bọt hóa chất. Cùng với CMC là chất tạo màu, chất tạo hương vị cà phê có mức độ độc hại không kém. Chất tạo màu có màu đỏ tươi, có độ bám dính rất cao, phải nhiều ngày sau mới phai dần. Những loại hóa chất này được anh Thắng khẳng định đều đặt mua kín đáo tại chợ hóa chất Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh).
Công thức nêu trên chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn công thức để chế biến ra cà phê. Mỗi một cơ sở sản xuất cà phê, dù nhỏ lẻ hay quy mô lớn, đều giữ cho mình một hương vị riêng, đồng nghĩa với việc họ sử dụng một công thức riêng, không thể bị trùng lặp hay nhầm lẫn. Đó là bí quyết, đồng thời cũng là miếng cơm manh áo của mỗi người.
Cũng theo lời của người đàn ông này thì quy trình sản xuất “cà phê bẩn” được chia làm ba công đoạn. Công đoạn thứ nhất là cho toàn bộ đậu đã rang trộn lẫn với những loại hóa chất có trong công thức. Khi đậu và những loại hóa chất này đã nguội, chúng sẽ kết dính lại với nhau thành một khối lớn. Nhiệm vụ tiếp theo của những kẻ “sáng tạo” ra “cà phê” này là đập cho đậu tách rời ra rồi tiếp tục đem đi rang lần thứ 2. Rang xong, số “cà phê” này lại được cho vào những máy xay xay thành bột nhỏ rồi đóng gói xuất ra thị trường.
Đa số khách hàng, kể cả những người đứng ra mua sỉ rồi bỏ mối lẻ cho các đại lý nhỏ hơn, các quán cà phê đều không biết loại cà phê mà mình đang mua được chế biến từ đậu nành và phụ gia hóa chất. Bởi vì chúng được làm quá tinh xảo, giống y như thật, chỉ có người sành về cà phê phải thật để ý mới phát hiện ra.
Theo anh Thắng, đặc điểm để phân biệt cà phê thật với “cà phê đểu” rất mờ nhạt, phải nhìn trực tiếp mới phát hiện ra được. Có một số đặc điểm khác biệt cơ bản như cà phê thật có hạt rất nhẹ, xốp, khi xay ra hoặc pha với nước có màu nâu nhạt, đánh lên có ít bọt. Còn với “cà phê đểu” thì hạt nặng hơn, khi xay ra có màu đen, đánh lên có nhiều bọt.