Dự lễ ký có đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo 389 của TP; đại diện lãnh đạo Cục QLTT - Bộ Công Thương, Văn phòng Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - Bộ Công an; cùng đại diện một số phòng, ban chức năng của CATP và Sở Công Thương.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Hồng Thăng nêu rõ, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngày 31-5-2012, CATP và Sở Công Thương Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp trong lĩnh vực quan trọng này. Từ tháng 5-2012 đến nay, 2 lực lượng đã kiểm tra, xử lý 2.300 vụ việc, phạt hành chính hơn 13 tỷ đồng; tịch thu hàng hóa và buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá 105,5 tỷ đồng.
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP chân thành cảm ơn những ý kiến chỉ đạo và hứa tiếp thu nghiêm túc các nội dung mà đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP nêu. Khẳng định các nội dung Quy chế sẽ được CATP và Sở Công Thương phối hợp triển khai nghiêm túc, quyết liệt;
Giám đốc CATP cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, các lực lượng CATP đã thực hiện tốt công tác giữ gìn ANCT và TTATXH, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa trên địa bàn thành phố. Để có được những kết quả đó, CATP luôn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chức năng trong đó có Sở Công Thương.
Theo quy chế, Sở Công Thương Hà Nội và Công an thành phố tăng cường phối hợp hơn nữa trong kiểm tra, kiểm soát, điều tra, xác minh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; đồng thời, đẩy mạnh công tác tham mưu, đề xuất, xây dựng sửa đổi các văn bản liên quan đến lĩnh vực này.
Nguyên tắc phối hợp giữa hai lực lượng là tuân thủ các văn bản pháp luật có liên quan trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp, hai bên thống nhất giải quyết dựa trên các quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi đơn vị; việc phối hợp bảo đảm đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Trong phối hợp kiểm tra, hai bên thống nhất bằng văn bản về kết luận hành vi vi phạm và mức độ xử lý, việc xử lý tang vật, phương tiện thu giữ trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc giao cơ quan có thẩm quyền xử lý./.