Án thông suốt nhờ cơ chế phối hợp
Nói về hàng loạt vụ án lớn mà Hà Nội đã cưỡng chế thành công trong năm 2014, Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến cho rằng, một phần đóng góp rất quan trọng là nhờ sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan.
Được biết, Cục THADS đã ký Quy chế phối hợp với ngành Kiểm sát, Tòa án thành phố, nhìn lại thời gian thực hiện, Cục trưởng Lê Quang Tiến đánh giá: “Các cơ quan đã thường xuyên kiểm tra, rà soát các bản án tuyên không rõ, khó thi hành để có hướng giải quyết dứt điểm. Việc chuyển giao bản án, quyết định của Toà án cho cơ quan thi hành án (THA) đã được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS tiếp nhận, ra quyết định và tổ chức THA kịp thời, đúng pháp luật. Tòa án cũng đã tạo điều kiện trong công tác xét miễn giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước. VKSND đã phối hợp tốt trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Ngành Công an cũng phối hợp tốt để bảo đảm các cuộc cưỡng chế diễn ra an toàn. Ngành Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về THA, phối hợp chuyển giao các quyết định THA về hình sự, quyết định đình chỉ THA và giấy xác nhận kết quả THADS để phục vụ công tác lý lịch tư pháp”.
Năm 2013, Hòa Bình cũng đã ký Quy chế phối hợp giữa Cục THADS với các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án. Cục trưởng Cục THADS Hòa Bình Hồ Ngọc Dinh nhận định: Quá trình THA có rất nhiều vụ việc phức tạp mà đương sự chây ỳ, chống đối, thậm chí liều lĩnh, bạo động. Nếu không có sự phối hợp tốt của các ngành thì THA rất khó khăn. Sau hơn một năm thực hiện Quy chế, ông Dinh cho biết đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tỷ lệ THA và giải quyết các vụ án phức tạp.
Cách làm cần nhân rộng
Còn nhớ cách đây một năm, tháng 10/2013, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC đã ký Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS. Đây được coi là sự kiện đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường công tác THADS trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, các ngành sẽ cùng vào cuộc để giải quyết những vướng mắc về việc án tuyên không rõ, khó thi hành. Đặc biệt, đối với các vụ án lớn, phức tạp, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC trong việc tổ chức họp liên ngành bàn biện pháp chỉ đạo để thi hành dứt điểm.
Trên cơ sở Quy chế nói trên, hàng loạt địa phương như Đồng Tháp, Bình Định, Điện Biên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Bình… đã ký Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS. Nhận định chung của các địa phương cho thấy, việc thực hiện Quy chế giúp các ngành có sự kết nối chặt chẽ hơn, tăng cường trách nhiệm hơn và đặc biệt là hiệu quả công tác THADS được cải thiện rõ nét.
“THADS sẽ không thể làm tốt nếu các bản án Tòa tuyên thiếu tính khả thi, khó thi hành. Họ càng không thể thực hiện các vụ án cưỡng chế phức tạp nếu thiếu sự ủng hộ của ngành Công an, việc tuyên truyền vận động của ngành Tư pháp, việc kiểm sát quá trình tổ chức THA của ngành Kiểm sát” - một Cục trưởng Cục THADS chia sẻ.
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện Quy chế ở địa phương, cũng có những bất cập, trong đó đáng chú ý là trong nhiều vụ việc, do nhận thức khác nhau nên các ngành còn thiếu sự hợp tác, thậm chí gây khó dễ dẫn đến khó khăn trong việc xử lý các vụ án phức tạp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Mai Lương Khôi cho rằng, trong bối cảnh lượng việc và tiền phải thi hành ngày càng lớn, tính chất phức tạp của các vụ việc ngày càng gia tăng, trong khi năm 2014 là năm tiếp theo THA phải hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao, do vậy áp lực lên các cơ quan THADS là rất lớn. Trong điều kiện đó thì sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp tốt của các ngành liên quan sẽ là điều kiện thuận lợi để THADS hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.
Đánh giá cao các địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành, song theo Phó Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi thì các quy chế này cần được thực hiện nghiêm túc, quá trình thực hiện cần có đánh giá rút kinh nghiệm để việc phối hợp thực sự đạt kết quả như mong muốn.