Ít xuất hiện nhưng ai cũng sợ
Trả lời HĐXX, đa số các bị cáo đóng vai trò thấp trong Ngân hàng Đại Tín như nhân viên kế toán, kiểm toán, giao dịch viên…đều cho biết rất hiếm khi gặp mặt bà Hứa Thị Phấn, song tất cả đều tỏ ra sợ sệt trước uy quyền của người đàn bà này.
Chẳng hạn như bị cáo Lâm Kim Thu (nguyên Phó phòng Kế toán Ngân hàng Đại Tín – Chi nhánh Sài Gòn).
Kết quả điều tra cho thấy, bị cáo Lâm Kim Thu đã ký kiểm soát tổng cộng 134 chứng từ thu khống hơn 6.579 tỷ đồng bao gồm 82 phiếu thu, 52 giấy nộp tiền, trong đó ký kiểm soát 99 chứng từ thu khống hơn 2.105 tỷ đồng; 49 phiếu thu và 50 giấy nộp tiền vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm và nộp tiền tất toán gốc và lãi cho khoản vay của nhóm Phú Mỹ, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín toàn toàn bộ số tiền này.
“Bà Hứa Thị Phấn thường xuất hiện với bị cáo Bùi Thị Kim Loan. Bị cáo không tiếp xúc với bà Phấn lần nào và chỉ nghe mọi người trong ngân hàng nói bà là chủ”, bị cáo Lâm Kim Thu khai tại toà.
Tương tự, bị cáo Trần Thị Hoàng Nga (nguyên Kế toán giao dịch Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang) cũng cho biết chưa từng tiếp xúc với bà Hứa Thị Phấn, song thông qua quản lý trực tiếp của mình là Huỳnh Thị Băng Tâm (nguyên Phó phòng Kế toán Ngân hàng đại Tín) đã lập và ký 11 chứng từ thu khống hơn 766 tỷ đồng bao gồm 3 phiếu thu và 8 giấy nộp tiền. Trong đó, 8 phiếu nộp tiền 374 tỷ đồng được cơ quan điều xác định là khống và được nộp vào tài khoản của nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn, hành vi này của bị cáo Trần Thị Hoàng Nga đã gây thiệt hại 374 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín.
Trong khi đó bị cáo Văn Thị Hồng Thi, người được xác định đã lập 102 chứng từ thu chi khống, qua đó tiếp tay cùng bà Phấn gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín số tiền hơn 1.346 tỷ đồng cũng thừa nhận chưa bao giờ tiếp xúc với bà Phấn. “Mỗi lần bà Phấn xuất hiện bị cáo chỉ nghe mọi người nói hôm nay có bà chủ xuống và qua đó biết bà Phấn là chủ ngân hàng chứ chưa từng tiếp xúc bao giờ”, bị cáo Văn Thị Hồng Thi khai.
Ngay cả bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), uy quyền của bà Phấn cũng phải khiến người nguyên là giáo viên ngân hàng rụt rè khi giao tiếp.
“Bà Hứa Thị Phấn nhờ đứng ra mua cổ phần…số tiền cổ tức Ngân hàng trả vào tài khoản bị cáo rút ra không dám dùng mà đưa hết cho bà Hứa Thị Phấn”, bị cáo Hoàng Văn Toàn khai.
Biến ngân hàng thành “trường học nghiệp vụ” theo ý bà Phấn
Thu nạp nhiều người nhà không có chuyên môn nghiệp vụ nắm giữ những vị trí xung yếu để phục vụ thủ đoạn rút tiền, buộc các thành viên trong ngân hàng phá vỡ những nguyên tắc ngân hàng đã học ở trường…bà Hứa Thị Phấn cùng những người thân tín của mình từng bước biến Ngân hàng Đại Tín của mình thành một “trường học” để qua đó giúp bà rút ruột ngân hàng này.
Bị cáo Hà Thu Thảo (nguyên nhân viên thủ quỹ Phòng giao dịch Ngân hàng Đại Tín – chi nhánh Sài Gòn) cho biết bản thân chỉ tốt nghiệp lớp 12 khi vào làm việc tại ngân hàng này.
Mặc dù vậy, Thảo vẫn được bà Hứa Thị Phấn tiếp nhận vào Ngân hàng Đại Tín và giao làm nhiệm vụ kiểm ngân tại chi nhánh Sài Gòn.
Khai tại toà, bị cáo Hà Thu Thảo thừa nhận không có nghiệp vụ và mọi chuyện liên quan đến việc thu chi khống, tiếp tay cho bà Phấn gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 426 tỷ đồng theo sự hướng dẫn, điều động của lãnh đạo chi nhánh là ông Ngô Trí Đức (Giám đốc chi nhánh Sài Gòn) và bà Vũ Thị Phương Thảo (Phó giám đốc chi nhánh Sài Gòn).
Hay như trường hợp của nguyên Phó thủ quỹ của Ngân hàng Đại Tín Trịnh Thị Hiền Trang, người học chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh nhưng khi được tuyển dụng vào được bố trí làm…phó thủ quỹ. Và mặc dù là phó thủ quỹ, song bị cáo Trang khai nhận chỉ biết ký “thu chi cấn trừ”.
Thậm chí, khi được HĐXX giải thích rằng trong nghiệp vụ ngân hàng không có định nghĩa thu chi cấn trừ thì bị cáo Trang mới biết!
Có một điều trái khoáy nữa liên quan đến chức danh giám đốc của ông Ngô Đức Trí mà ngay cả chủ toạ phiên toà cũng phải bất ngờ, đó là việc ông này không hề biết chuyện gì đang xảy ra tại chi nhánh mình trong suốt 2 năm trời.
Khi được HĐXX hỏi ông Ngô Đức Trí nghĩ gì khi hàng chục nhân viên từ phó giám đốc chi nhánh cho đến kế toán, kiểm soát viên phải ra toà mà mình không liên quan?
Ông Trí cho biết mỗi người trong chi nhánh đều được phân quyền và chịu trách nhiệm với công việc của mình được phân công.
Như vậy, song song với việc sử dụng uy quyền để áp đặt nhân sự và cách làm việc, “bà trùm” Hứa Thị Phấn đã từng bước chiếm quyền điều hành, qua đó rút ruột Ngân hàng Đại Tín./.