Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): trong đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và từ cuối tháng 02/2013 (phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút cúm A/H7N9) cho đến nay đã có 1.174 người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9, trong đó có 417 ca tử vong.
Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Ytế đưa ra một số biện pháp phòng ngừa cúm A/H7N9 như sau:
- Đối với các cá nhân:
+ Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh cúm A(H7N9), theo đó mọi người cần phải
Thường xuyên rửa tay với xà phòng: Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; trước khi ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc gần với gia cầm và chất thải của gia cầm hoặc bất cứ khi nào tay bẩn để ngăn chặn sự lây nhiễm cho chính mình và cho người khác.
Che miệng bẳng khăn giấy hoặc khủy tay khi ho, hắt hơi, vứt khăn giấy vào thùng rác kín và rửa tay.
Luôn tuân thủ tốt an toàn vệ sinh thực phẩm: luôn giữ thịt và trứng sống cách xa thức ăn đã nấu chín; không sử dụng cùng dao, thớt chung cho cả thịt sống và chín; chế biến kỹ thức ăn; rửa sạch bề mặt và đồ dùng đã tiếp xúc với thịt sống.
Không ăn thịt, trứng các loại chim, gia cầm và thủy cầm không rõ nguồn gốc hoặc bị nhiễm bệnh.
Đối với người xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch tới hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới cúm A/H7N9.
+ Đối với những người phải đi đến hoặc sống tại quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9) ngoài áp dụng những biện pháp trên thì còn phải:
Tránh xa các trại nuôi chim, gia cầm và thủy cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm.
Không nên tới khu vực giết mổ chim, gia cầm và thủy cầm.
Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân chim, gia cầm và thủy cầm.
- Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh khác thì:
+ Nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
+ Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng cư dân biên giới, chính quyền cấp xã, cấp huyện và các tổ chức đoàn thể tại các khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm; đồng thời hướng dẫn, tổ chức giám sát cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách có hiệu quả.
Đặc biệt, cần tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm.
+ Khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9 có hiệu quả nhất.
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Đồng thời chỉ đạo chính quyền các cấp chủ động áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định; lập kế hoạch chủ động bố trí lực lượng kiểm soát cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xẩy ra, không để dịch lây lan cho người và xẩy ra diện rộng.
+ Giao Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo lực lượng thú y tại các tỉnh biên giới phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Đồng thời triển khai các hoạt động giám sát lưu hành, phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của chủng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác trên đàn gia cầm trong nước, gia cầm nhập lậu qua biên giới để làm cơ sở chỉ đạo chống dịch; tổ chức lấy mẫu gia cầm sống để giết mổ, thịt gia cầm nhập lậu qua biên giới để xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng về nguy hiểm, tác hại của gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.
+ Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời.