Chia sẻ tại Tọa đàm “Đối thoại Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” chiều ngày 27/4, ông Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, các doanh nghiệp phải tự thân vận động. Phải xây dựng, phát triển được thị trường nội địa rồi mới tính đến chuyện xuất khẩu. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải “bắt tay” với nhau, phải xây dựng luật chơi cụ thể…
Bởi theo ông Long nước ngoài không muốn Việt Nam sản xuất ô tô, nhất là vào năm 2018 khi thuế suất về 0%. Trong khi đó, câu chuyện công nghiệp ô tô lại là vấn đề quan trọng. Công nghiệp ô tô phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành công nghiệp khác phát triển.
|
Ông Đào Phan Long |
Để giải bài toán này, ông Long cho rằng công nghiệp ô tô không có nghĩa chỗ nào cũng làm ô tô, toàn dân làm ô tô. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô cũng cần thay đổi theo hướng tập trung. Tập trung cho những doanh nghiệp đã tồn tại, phát triển và khẳng định được sức sống của mình từ khi bắt đầu bước vào xây dựng ngành công nghiệp ô tô trong nước. Bởi theo ông Long, nếu tự chúng ta cạnh tranh với nhau, không anh nào mạnh hơn anh nào thì không thể phát triển được sản xuất nội địa. Và như thế khó có được sản phẩm cơ khí ô tô giá rẻ nội địa.
“Những chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước hết sức quan trọng. Đặc biệt là việc duy trì chính sách thuế ổn định giúp thị trường tăng trưởng từng năm một. Vấn đề làm thế nào thị trường của chúng ta phát triển ổn định, bền vững? Chúng ta cần thời gian tránh sự nóng vội, phải kiên trì. Bên cạnh đó cần cần học tập một số nước trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia dùng thuế tiêu thụ đặc biệt để thúc đẩy, hỗ trợ ngành sản xuất trong nước phát triển”. – là chia sẻ của ông Yoshihima Maruta – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải thì cho rằng khi thuế suất về 0% vào năm 2018 cũng không có nước nào mở toang cánh cửa, đều có “hàng rào” phi thuế quan bảo vệ. Bảo hộ này là sự trợ lực để phát triển sản xuất. Tuy nhiên không thể dựa vào bảo hộ để phát triển lâu dài.
Sau một thời gian phát triển, Việt Nam đã có các nhà sản xuất cung ứng được vào ngành công nghiệp lắp ráp. “Kể cả xã hội nói được ưu đãi, nhưng trong bối cảnh ưu đãi tổng thể (kể cả với doanh nghiệp nước ngoài), mà chúng tôi trụ được, cạnh tranh được, có được cơ sở sản xuất, tôi nghĩ đó là thành công”, ông Dương giãi bày.
Trước những đề xuất từ phía các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: sẽ ghi nhận các ý kiến nhằm giúp Chính phủ chỉnh sửa và đề ra các chính sách cụ thể để phát triển ngành ô tô phù hợp với yêu cầu của thị trường./.