Các đương sự trong “Vụ án Hòa Lân” đồng loạt kiến nghị đối với kháng nghị cấp tốc của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không đương sự nào khiếu nại, kiến nghị yêu cầu xem xét lại bản án phúc thẩm xét xử vụ kiện liên quan đến dự án Khu dân cư Hòa Lân nhưng VKSND cấp cao lại sử dụng văn bản của một tạp chí điện tử không liên quan đến vụ án để kháng nghị. Việc kháng nghị chỉ trong vòng một tháng kể từ khi có văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ khiến các đương sự không chỉ bất ngờ mà còn rất bất bình.

Một kháng nghị “không có tiền lệ”?

Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (nguyên đơn), Công ty cổ phần Đấu giá Nam Sài Gòn (bị đơn), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (người có quyền lợi liên quan) là các đương sự trong vụ kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản dự án khu dân cư Hòa Lân đã đồng loạt có đơn gửi VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh yêu cầu rút kháng nghị ngày 22/6/2021 do cơ quan này ban hành, kháng nghị hủy bản án phúc thẩm xét xử “Vụ án Hòa Lân”.

Trong đơn khởi kiện năm 2019, Công ty Thiên Phú khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản và yêu cầu hủy hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NN và PTNT Chi nhánh Chợ Lớn. Tại phiên tòa, Công ty Thiên Phú đã rút đơn khởi kiện và trực tiếp do ông Bùi Thế Sơn là người ký và nộp cho tòa án. Ông Bùi Thế Sơn là người sở hữu 99% vốn góp của Công ty Thiên Phú, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty theo đăng ký doanh nghiệp.

Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của ông Bùi Thế Sơn tiếp tục giữ quan điểm rút đơn khởi kiện. TAND quận 7 tuy không đình chỉ vụ án, nhưng đã xử không chấp nhận yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản của Công ty Thiên Phú.

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, các đương sự đã hòa giải với nhau. Công ty Thiên Phú không tiếp tục kháng cáo, không còn yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Bị đơn là Công ty cổ phần Đấu giá tài sản Nam Sài Gòn và người liên quan là Công ty Kim Oanh, bà Phạm Thị Hương cũng rút đơn kháng cáo. Yêu cầu về việc hủy kết quả đấu giá tài sản đã chấm dứt hoàn toàn.

Tòa cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết kháng cáo của các đương sự và chỉ xem xét yêu cầu tính lại lãi suất của Ngân hàng NN và PTNT. Như vậy, vụ án dã khép lại với sự thỏa thuận của các bên, đồng nghĩa với việc không kiến nghị, khiếu nại đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Song, cuộc sống của các đương sự đã bị đảo lộn hoàn toàn bởi sự can thiệp của người thứ 3 và quyết định gây choáng của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, Tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam, đơn vị thuộc Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, không phải là tổ chức đại diện cho lợi ích của Nhà nước và cũng không phải là đương sự của vụ án này, đã có văn bản đề nghị VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án Hòa Lân.

Trong đúng 1 tháng kể từ ngày phát đi văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ, tức là chỉ khoảng 2 tuần kể từ ngày nhận được hồ sơ, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ban hành kháng nghị đối với bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh; yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án.

Quyết định kháng nghị này khiến các đương sự trong “Vụ án Hòa Lân” sốc hoàn toàn. Các đương sự “sốc” hoàn toàn vì quyền định đoạt của đương sự trong vụ án dân sự đã bị xâm phạm không thương tiếc và bởi một quyết định kháng nghị mà nhiều luật sư đánh giá là “không có tiền lệ”.

Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh sáng Công lý nhận xét: Nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự xác định, quyền định đoạt cuối cùng thuộc về đương sự trong vụ kiện dân sự. Nếu đương sự đã rút đơn khởi kiện thì vụ án phải đình chỉ; đương sự rút đơn kháng cáo thì xét xử phúc thẩm phải đình chỉ. Đương sự không khiếu nại thì không được kháng nghị. Việc kháng nghị không dựa vào yêu cầu của đương sự là xâm phạm quyền định đoạt của đương sự.

“Cũng có quy định về việc kháng nghị không cần đơn khi quyền lợi của nhà nước bị xâm phạm, nhưng đó không phải là trường hợp này vì đơn khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá không phải vì lợi ích Nhà nước mà vì lợi ích của Nguyên đơn (Công ty Thiên Phú). Nhưng, nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện, rút đơn kháng cáo và không khiếu nại giám đốc thẩm thì hoàn toàn không có căn cứ kháng nghị. Việc kháng nghị dựa vào đơn của tổ chức, cá nhân không phải là đương sự, trong trường hợp vụ án cụ thể này, là trái pháp luật”, Luật sư Lê Văn Kiên nhấn mạnh.

Đương sự cùng phản ứng quyết định kháng nghị

Quyết định kháng nghị sẽ được Tòa án xem xét theo quy định của pháp luật. Song, một quyết định “không có tiền lệ” như nêu trên có thể có nhiều nguyên nhân và không thể không xem xét đến việc người ban hành kháng nghị này có cố tình làm không đúng pháp luật hay không? Việc này thuộc trách nhiệm của VKSND tối cao, cơ quan cấp trên của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Về phía các đương sự, sau khi bị sốc trước kháng nghị này, cả nguyên đơn, bị đơn và người liên quan đều đồng loạt có văn bản gửi VKSND cấp cao yêu cầu rút kháng nghị.

Việc làm của các đương sự trong “Vụ án Hòa Lân” là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là quyền tự quyết được Bộ luật tố tụng dân sự quy định.

Trao đổi về điều này, đại diện của Công ty Thiên Phú, ông Nguyễn Văn Tú cho biết: Khi quyền sở hữu và quyền tài sản của tổ chức, cá nhân lại bị tổ chức, cá nhân khác định đoạt mà không được ủy quyền thì việc này rõ ràng là trái pháp luật.

“Các đương sự chúng tôi không ủy quyền cho Tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam yêu cầu, khiếu nại giám đốc thẩm thì tại sao tổ chức này lại đứng ra làm việc này. Chúng tôi yêu cầu phải làm rõ động cơ, mục đích của họ và đặc biệt là các căn cứ pháp luật để họ ký đơn, gửi đơn và VKSND cấp cao nhận, giải quyết đơn của họ”, ông Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh.

Về phía Công ty Kim Oanh, doanh nghiệp thiệt hại ước tính 5 tỷ đồng mỗi ngày do dự án bị chậm triển khai bởi sự can thiệp từ các tổ chức không liên quan đến tranh chấp cho biết: Những thiệt hại mà Công ty phải gánh chịu tính từ thời điểm VKSND cấp cao ban hành kháng nghị cấp tốc đối với bản án phúc thẩm, khiến các cơ quan chức năng dừng thủ tục hành chính liên quan đến dự án, đều có quan hệ nhân quả với đơn của Tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam và Công ty sẽ yêu cầu pháp luật buộc tạp chí này phải bồi thường.

Trong văn bản gửi VSKND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, các đương sự trong vụ án này nêu rõ, các đương sự trong vụ án đều không khiếu nại đối với bản án nên không tổ chức, cá nhân nào khác mà không phải là đương sự có quyền làm thay các đương sự trong vụ án này.

Trở lại nội dung vụ việc này, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá khu đất thực hiện dự án Khu dân cư Hòa Lân với giá 1.353 tỷ đồng sau 14 vòng đấu giá. Giá trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm 400 tỷ đồng. Do đó, Công ty này là người mua ngay tình đối với quyền sử dụng đất được mang đấu giá, hoàn toàn không có lỗi trong việc mua bán đấu giá. Việc đấu giá đã được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận là không có căn cứ hủy kết quả đấu giá.

Tranh chấp xảy ra khi một nhóm cá nhân muốn lợi dụng danh nghĩa Công ty Thiên Phú để khởi kiện hủy kết quả đấu giá nhằm lấy lại dự án cho Công ty Thiên Phú, từ đó sẽ thâu tóm dự án này bằng việc mua lại 100% vốn góp của Công ty Thiên Phú. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông Bùi Thế Sơn, người sở hữu và đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Phú đã rút đơn khởi kiện và vụ kiện đã chấm dứt như đã nêu.

Song, dường như vụ việc chưa dừng lại với Công ty Kim Oanh khi nhiều cá nhân là đối thủ cạnh tranh vẫn tìm cách làm cho dự án bị đình trệ, kéo dài, gây thiệt hại cho Công ty này. Vụ kháng nghị giám đốc thẩm cấp tốc đối với bản án phúc thẩm, dù kết quả thế nào cũng sẽ khiến cho dự án bị chậm tiến độ. Như vậy, việc Công ty Kim Oanh có khởi kiện yêu cầu những tổ chức, cá nhân tham gia vụ việc này không đúng pháp luật, khiến Công ty bị thiệt hại cũng là điều nên làm.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm