Phát huy vai trò là ngân hàng lớn, chủ lực của nền kinh tế, tích cực đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ và NHNN, trong thời gian qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã triển khai tích cực và có kết quả các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của doanh nghiệp cũng như người dân.
Cụ thể, kể từ ngày 11/1, VietinBank thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển; trong đó đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp xuất nhập khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các chuỗi liên kết; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp khởi nghiệp có phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đặc biệt là các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nâng cấp thành doanh nghiệp. Đây cũng là các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, được ưu tiên phát triển theo định hướng của Đảng và Chính phủ, tạo động lực chung cho tăng trưởng nền kinh tế.
Cùng với đó, các chương trình tín dụng với các mức lãi suất cho vay đặc biệt ưu đãi sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, sản xuất kinh doanh hiệu quả, sử dụng toàn diện các sản phẩm dịch vụ của VietinBank.
Với những giải pháp này, VietinBank tin tưởng sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Một ngân hàng lớn khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ban hành chính sách lãi suất cho vay mới, áp dụng cho cả dư nợ cũ. Đây là ngân hàng thương mại đầu tiên ban hành kế hoạch triển khai cụ thể về giảm lãi suất, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1 và định hướng điều hành của Thống đốc NHNN tại hội nghị toàn ngành.
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm. Cụ thể, đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất 6,5%/năm sẽ được đồng loạt giảm 0,5% về mức 6%/năm; các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm; các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm.
Cùng với đó, Vietcombank cũng chỉ rõ các nhóm đối tượng được áp dụng mức lãi suất giảm gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; Phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Doanh nghiệp khởi nghiệp. Thời gian thực hiện ưu đãi lãi suất từ 15/1 đến hết năm 2018.
Agribank quyết định hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng. Theo đó, kể từ ngày 10/1, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ tối đa 6,5%/năm xuống còn tối đa 6%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39 có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Với quyết định này, mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với nhóm khách hàng này chỉ còn tối đa 6%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu chỉ từ 7,5%/năm (giảm 0,5%/năm so với năm 2017).
Khảo sát thị trường cho thấy, mức lãi suất cho vay của 2 ngân hàng trên đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ hiện đang ở mức thấp nhất thị trường và thấp hơn 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn theo Quyết định 1425 của NHNN.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, kể từ ngày 15/01/2018, BIDV sẽ điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó chú trọng vào các khách hàng tốt, có tình hình tài chính minh bạch lành mạch, đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai các gói tín dụng cạnh tranh quy mô lớn với lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề theo định hướng ưu tiên của Chính phủ với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Cụ thể, gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp lớn; Gói tín dụng 3 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp siêu nhỏ/doanh nghiệp khởi nghiệp; Gói tín dụng 5 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển khách hàng doanh nghiệp nước ngoài; Gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh nhân dịp Tết Mậu Tuất…
Thời gian qua, BIDV luôn tích cực triển khai đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, đưa ra các gói tín dụng phục vụ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, đời sống của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo giảm lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp SME nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung trong năm 2018.
Theo đó, lãi suất dành cho các doanh nghiệp SME hoạt động tốt trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường sẽ giảm từ 0,5%-1%/năm. Việc giảm lãi suất bắt đầu từ ngày 11/1cho tất cả các khách hàng mới hoạt động tốt trong những lĩnh vực được ưu tiên.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ được VPBank xác định là một trong những phân khúc khách hàng chiến lược mà Ngân hàng hướng tới phục vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Bên cạnh những sản phẩm cho vay có tài sản bảo đảm thông thường, VPBank đã đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tín chấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp SME tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm.
Nhờ đa dạng hóa các loại hình sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, doanh thu trong phân khúc khách hàng SME của VPBank đã tăng trưởng 30% trong năm 2017. Đặc biệt hơn, ở tiểu phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ, số lượng khách hàng hàng tháng tăng thêm khoảng 1.000 mỗi tháng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Trước đó, trong năm 2017 hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ một số ngân hàng cũng tiên phong hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME và các lĩnh vực ưu tiên. Do luôn chủ động khai thác các nguồn vốn hợp lý, quản lý tốt chất lượng tăng trưởng, tiết giảm chi phí một số ngân hàng đã có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thuận tiện trong việc tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng, tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tăng trưởng mạnh vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các ngành nghề, doanh nghiệp thuộc đối tượng Chính phủ ưu tiên khuyến khích phát triển.
Các Quyết định giảm lãi suất của các ngân hàng được đưa ra đầu năm 2018 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngân hàng xem xét khả năng tiếp tục giảm lãi suất them nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp SME dễ tiếp cân nguồn vốn vay từ ngân hàng hơn nữa trong năm 2018, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng này đã bám sát tinh thần tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1 và định hướng điều hành của Thống đốc NHNN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng. Với quyết định giảm lãi suất lần này, các ngân hàng tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng, phù hợp với nhu cầu khách hàng mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn đầu vào.