Các “ông lớn” đang gồng mình trong cuộc đua tái cơ cấu

(PLO) - Mặc dù gặp một vài trục trặc song nhiều tập đoàn Nhà nước khẳng định đang bám sát tiến độ. Bộ Tài chính cũng khẳng định cơ sở pháp lý đã đầy đủ, các doanh nghiệp (DN) không có lý do gì trì hoãn…
Lãnh đạo PVN cho biết PVN chưa thoái vốn khỏi PVcomBank vì Chính phủ chỉ đạo PVN hỗ trợ tối đa cho ngân hàng này
Lãnh đạo PVN cho biết PVN chưa thoái vốn khỏi PVcomBank vì Chính phủ chỉ đạo PVN hỗ trợ tối đa cho ngân hàng này
PVN chờ hướng dẫn 
Mới đây, trước báo giới, ông Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) cho biết, công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, sắp xếp đổi mới DN tại PVN được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả đúng theo phương án tái cấu trúc PVN đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện PVN chỉ còn 5 DN chưa CPH xong: TCty Dầu Việt Nam, TCty Điện lực dầu khí, Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Cty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau và Cty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất. 
“PVN đang xúc tiến để hoàn thành CPH các DN này trong năm 2014 và 2015. Riêng Cty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (được chuyển từ Vinashin về) hiện không đủ điều kiện CPH do thua lỗ, vốn nhà nước gần như không còn. Nếu không thể CPH được, PVN dự kiến chuyển sang công ty cổ phần sau năm 2015…” - ông Hồng cho biết.
PVN hiện còn vốn đầu tư tại 11 DN cần phải thoái vốn, trong đó chủ yếu tập trung nhiều ở 2 ngân hàng  PVcomBank và Ocean Bank, với khoảng 5.000 tỷ đồng. “Chúng tôi đã có phương án, nhưng Chính phủ vừa chỉ đạo việc thoái vốn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng phải theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của NHNN. Riêng đối với PVcomBank, Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ tối đa cho ngân hàng này, chúng tôi sẽ rút vốn trong năm 2015…” - ông Hồng thông tin.
Đại diện PVN khẳng định PVN đang bám sát tiến độ và sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2015 theo chỉ đạo của Chính phủ.
TKV chờ chỉ đạo
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Văn Biên cho biết, Tập đoàn này đã triển khai các bước để CPH 8 DN (riêng Cty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, TKV đã xin Thủ tướng Chính phủ lùi tiến độ đến sau năm 2015 và thay vào đó bổ sung CPH Cty XLMT Nhân Cơ). Trong đó, có 3 DN đã hoàn tất CPH, 5 DN xác định xong giá trị DN. Riêng 3 tổng công ty: Điện lực, Khoáng sản và Việt Bắc đã báo cáo Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng.
TKV cũng đã hoàn tất công tác thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, trong đó đã bán xong vốn đầu tư tại Cty Tài chính TKV, Ngân hàng SHB, bảo hiểm, chứng khoán và thu về 1.600 tỷ đồng. Riêng khoản đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, bất động sản đang được triển khai các bước để tiến hành thoái vốn xong trong năm 2015 (còn trên 200 tỷ đồng), trong đó có vốn góp liên kết đầu tư tại Cty CP Kinh tế Hải Hà 47,8 tỷ đồng.
Đối với công tác thoái vốn, giảm vốn góp trong các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, ông Biên cho biết đã hoàn tất giảm tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ tại Cty CP Than Miền Nam từ 77,1% xuống còn 34%; hoàn thành phương án rút vốn điều lệ tại Cty CP Than Miền Trung; phê duyệt phương án tái cơ cấu của 5 công ty… Tuy nhiên, thực tế việc giảm tỷ lệ cổ phần chi phối tại các DN than đang không mấy thuận lợi. 
Ví dụ rõ nhất là trong thời gian qua, dù đã 3 lần rao bán cổ phần tại Cty CP Hạ Long, Cty CP Thương mại và Sản xuất Than Uông Bí, Cty CP Cơ khí ô tô Uông Bí, song theo ông Biên, chưa có một nhà đầu tư nào quan tâm đúng nghĩa mặc dù TKV lần lượt công bố thoái đến 30% cổ phần thay vì 10% như lần đầu IPO. Khó khăn này TKV đã báo cáo Bộ Công Thương xin ý kiến chỉ đạo. 
Đặc biệt, TKV cũng đang vướng các Dự án đầu tư ở Lào và Campuchia. Với các dự án này, ông Biên cho biết TKV đầu tư theo chủ trương của Chính phủ, một số dự án đã hết hạn giấy phép nên bán rất khó, TKV đã báo cáo Chính phủ xin nhượng bán với giá tượng trưng cho đối tác để chấm dứt liên doanh…
Bất chấp khó khăn, lãnh đạo TKV vẫn khẳng định quyết tâm hoàn thành việc CPH, thoái vốn theo đúng phương án được phê duyệt…
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, trong năm 2014 kế hoạch thoái vốn DNNN là 3.568 tỷ đồng, năm 2015 là 16.367 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái vốn 3.488 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2013. Tỷ lệ thoái vốn có tăng nhưng so với yêu cầu, con số thoái vốn đầu tư ngoài ngành đến nay chưa đạt. 
Ông Tiến khẳng định, đến nay những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đã cơ bản được tháo gỡ tại Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014, Quyết định 51/2014 ngày 15/9/2014. “Vấn đề cần làm là giám sát các DN có thực hiện những nội dung của Chính phủ đề ra hay không, chỉ cần thực hiện được các yêu cầu này, quá trình thoái vốn sẽ nhanh hơn rất nhiều. Miệng nói mà không làm hay có tư tưởng du di muốn giữ lại vốn của lãnh đạo DN thì rất khó thực hiện…”, ông Tiến nêu quan điểm. 

Đọc thêm