Theo PGS. TS Đào Xuân Cơ, phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin cúm. Đặc biệt, những người có bệnh mạn tính, cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ… cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các chủng cúm đã có vắc - xin.
"Đây là biện pháp phòng bệnh an toàn, đặc hiệu và kinh tế nhất", Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định.
Bên cạnh đó, cũng theo PGS. TS Đào Xuân Cơ, người dân cần tuân thủ tốt các thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác. Nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác, cho người khác.
“Vệ sinh tay thường xuyên, nhiều lần trong ngày cũng là 1 trong những biện pháp phòng cúm và các bệnh lây nhiễm thông thường khác khá hiệu quả, không tốn kém và dễ thực hiện”, ông Cơ nhấn mạnh.
Đồng thời, người dân cần vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
Mọi người nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
"Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc", chuyên gia hồi sức tích cực lưu ý thêm.